Những ngày gần đây, cái tên Lý Gia Thành được nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới nhắc đến. Thông tin nhà tài phiệt nổi tiếng Hong Kong tuyên bố nghỉ hưu không hẳn là điều bất ngờ khi ông Lý chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 90. Điều người ta quan tâm là liệu đế chế tỷ USD do ông gầy dựng có tiếp tục phát triển dưới thời Victor Li, con trai cả của vị doanh nhân này.
Suốt nhiều thập kỷ qua, Lý Gia Thành là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất tại Hong Kong. Tập đoàn của ông tham gia vào hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân thành phố - từ viễn thông, bất động sản cho đến vận chuyển và bán lẻ. Tỷ phú họ Lý cũng là người Hong Kong giàu nhất mọi thế hệ, dẫn đầu kỷ nguyên mà vài người di cư xuất sắc từ Đại lục xây dựng lên cả đế chế trải rộng khắp châu Á.
Sinh ra trong một gia đình giàu có với người cha được mệnh danh ‘Siêu nhân’ không chỉ là may mắn mà còn là áp lực lớn với Victor. Giống như một số ‘cậu ấm cô chiêu’ khác, nhiều chuyên gia trong ngành kinh doanh nhận định ông sẽ gặp khó để vượt qua “cái bóng” của Lý Gia Thành.
Kế thừa sự nghiệp từ người cha 'Siêu nhân' sẽ là áp lực lớn với Victor Li
Giáo sư P.H. Fan tại Đại học Trung Quốc của Hong Kong nhận định: “Việc ông Lý về hưu là biểu tượng cho sự kết thúc của một kỷ nguyên. Không ai có thể thay thế Lý Gia Thành với tư cách nhà sáng lập doanh nghiệp huyền thoại của tập đoàn lớn nhất Hong Kong”.
Trên thực tế, kế hoạch chuẩn bị cho người kế vị đã được ông Lý âm thầm thực hiện trong vài thập niên qua. Victor sinh năm 1964, tốt nghiệp Đại học Stanford và gia nhập Cheung Kong khi mới hơn 20 tuổi. Ông đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trước khi thăng tiến lên các chức vụ quan trọng trải rộng khắp các mảng kinh doanh của tập đoàn.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2016, Lý Gia Thành nhắn nhủ tới các nhà đầu tư không nên lo lắng về vấn đề người kế nghiệp, bởi Victor đã cùng ông song hành trong chặng đường kinh doanh suốt 30 năm và gần như quán xuyến công việc của tập đoàn trong khoảng thời gian khá dài. Dẫu vậy nhà lãnh đạo 53 tuổi này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để chứng minh khả năng của bản thân thay vì chỉ được biết đến như con trai của Lý Gia Thành.
Nếu như chuyện tỷ phú họ Lý ‘truyền ngôi’ cho con trai cả là điều được dự đoán từ lâu, thế giới vẫn đang hướng về Omaha – quê hương của Warren Buffett đồng thời là nơi đặt trụ sở chính của Berkshire Hathaway để xem ai sẽ là người kế nhiệm nhà đầu tư vĩ đại này.
Giống như Victor Li, người thay thế Buffett khi ông nghỉ hưu chắc chắn sẽ chịu áp lực lớn, thậm chí vô cùng ‘kinh khủng’ bởi với nhiều người, tỷ phú sinh năm 1930 không chỉ là Chủ tịch và CEO của Berkshire mà là một huyền thoại, tượng đài khó thay thế trong lĩnh vực đầu tư.
Khi Buffett đã là một huyền thoại, tìm được một người có thể thay thế ông là điều không dễ dàng. Ảnh: Bloomberg
Nhà hiền triết xứ Omaha từng chia sẻ rằng Howard Buffett, con trai cả của ông chính là người ông tin tưởng và muốn giao lại vị trí Chủ tịch tập đoàn. Trong khi đó, cái tên được ‘nhắm’ cho chức CEO vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Một số ứng viên được giới truyền thông đưa vào danh sách tiềm năng nhưng Buffett chưa bao giờ khẳng định ai trong số họ có khả năng là người kế vị ông.
Trong lá thư gửi cổ đông năm 2015, tỷ phú giàu thứ 3 thế giới cho biết, HĐQT Berkshire mong muốn vị CEO tiếp theo là người đang giữ cương vị lãnh đạo một bộ phận nào đó của công ty và “tương đối trẻ để có thể gắn bó lâu dài với công việc”. Tại đại hội cổ đông năm ngoái, ông cũng nói thêm về tiêu chí lựa chọn CEO: đó là người vì đam mê, lợi ích của công ty chứ không đảm nhiệm vị trí này vì tiền.
“Tôi thực sự hi vọng chúng tôi sẽ tìm được một người rất giàu có. Người này phải có kinh nghiệm dày dặn, không bị đồng tiền chi phối và đã có tài sản gấp 10 hay 100 lần mức họ từng kỳ vọng”, Buffett nói.
Tất nhiên, để đảm bảo vị CEO không ‘phá nát’ những gì Buffett tạo dựng trong hơn nửa thế kỷ qua, Howard là người được giao nhiệm vụ bảo vệ nền văn hóa của doanh nghiệp và sa thải bất kỳ CEO nào đảo lộn trật tự đó.