Nhà Lý Phù Páo ở bản Tả Phìn, Sapa, Lào Cai phải đi qua hai con dốc uốn lượn như thân rắn, tính từ đường lớn. Chỉ tay vào mảnh đất đang được phủ kín bởi màu xanh mướt mắt bên hông nhà, Páo miêu tả đó từng là mảnh ruộng ngô, xác xơ màu vàng úa.
Trí nhớ của Páo lục lọi về 3 năm trước, khi đó, nhà không có cái gì để ăn, mấy đứa con phải bỏ học. Vợ chồng Páo bảo nhau phải thay đổi. Nghĩ là làm, gia đình Páo quyết tâm tham gia vào dự án trồng cây dược liệu sạch – là cây actiso, do CTCP Traphaco phối hợp với huyện Bắc Hà triển khai.
Lần đầu, vợ chồng Páo được học cách làm đất, tạo luống. Với giống cây, phân bón được cung cấp, những mầm xanh lần lượt nảy nở trên 2.000 m2 đất ruộng. Cán bộ cũng thường xuyên đến, theo sát việc chăm sóc cây, Páo cho biết.
Ở nhà Páo giờ đã có nhiều chuyển biến. Đó là có thêm cái tivi, cái xe máy mới, mà vợ chồng anh gọi là "tivi actiso", "xe máy actiso".
3 năm trước, Ma Seo Vần ở xã Lũng Phình, huyện Bắc Hà cũng bắt đầu trồng actiso và đương quy tuỳ mùa, theo hợp đồng với Traphaco. Tương tự gia đình Páo, mảnh đất 7.000m2 nhà Vần trước đây toàn là ngô. 7.000m2 trồng ngô đó, Vần nhớ như in, mỗi năm tiền thu hoạch không quá 15 triệu đồng.
Dược liệu sạch, Vần nhận xét là khó làm và kỳ công hơn nhiều lắm. Nhưng tiền thu về thì đáng, gấp 4 – 5 lần tiền từ những ruộng ngô. Kết quả của 3 mùa trồng actiso, đương quy là ngôi nhà sàn mới. Xong nhà, Vần bắt đầu nghĩ đến chuyện để dành tiền. Anh nhẩm tính một khoản sẽ cho con đi học, một khoản để cho lúc ốm đau, khoản khác là để mua sắm đồ đạc…
Gia đình Páo, Vần, là hai trong 675 hộ gia đình trong dự án "Nghiên cứu, phát triển bền vững nguồn dược liệu Traphaco" hay còn được gọi tắt là GreenPlan của Traphaco.
"Con đường sức khoẻ xanh", theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco là chiến lược được Traphaco lựa chọn ngay nhằm mang lại giá trị dài lâu, cũng như tăng trưởng ổn định. Chính bởi vậy, từ rất sớm, công ty đã tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu từ sớm.
Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Traphaco
Năm 2009, Traphaco cho ra mắt Dự án nguyên liệu xanh với mô hình liên kết 4 nhà, gồm "Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nhà nông". Trong đó, doanh nghiệp được xem là hạt nhân.
Điều này không chỉ giúp công ty chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm mà quan trọng hơn qua đó giúp người bệnh giảm gánh nặng chi phí điều trị, đồng thời tạo việc làm thu nhập cao cho hàng trăm nông dân, đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa.
GreenPlan là một trong những dự án được công ty này tỏ ra tâm đắc nhất. Dù vậy, chặng đường từ lý thuyết đến hiện thực là những cánh đồng dược liệu, được trồng đúng quy chuẩn, bởi chính tay người dân, đặc biệt là người dân tộc, không hề dễ dàng.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó TGĐ Traphaco nói rằng hơn 20 năm qua, không có trường đại học nào dạy phương pháp trồng dược liệu. Bài toán này được công ty giải quyết bằng việc hợp tác với một số nhà khoa học ở Học viện Nông nghiệp, là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn GACP (Good Agricultural and Collection Practices - Thực hành tốt trồng trọt và thu hái).
"Những người đi đầu rất vất vả, khó khăn vì dược liệu thì gắn với nông nghiệp, nông thôn miền núi", ông Huy chia sẻ.
Ông Nguyễn Huy Văn, Phó TGĐ Traphaco
Lấy ví dụ, ông cho biết để triển khai dự án trồng cây thuốc tại miền núi, trước hết phải có nghị quyết của huyện ủy, sau đó đưa các Bí thư, Chủ tịch, Trưởng Công an xã làm trước, rồi bà con làm theo. Rồi thì ngôn ngữ cũng là một hạn chế khi việc quản lý đồng ruộng theo yêu cầu phải ghi chép, điền bảng ngày nhưng bà con không biết tiếng Kinh, không cách nào làm được.
Những ngày đầu đó, cách duy nhất để giải quyết, là phải cử một đội trưởng đội sản xuất điền hộ.
Đến nay, sau 10 năm triển khai, Traphaco có vùng nguyên liệu trên 36.300 ha đạt chuẩn GACP-WHO, trong đó 36.200 ha vùng thu sản xuất chè dây và rau đắng đất và 104 ha vùng sản xuất actiso, đinh lăng và bìm bịp biếc.
Trong năm 2016, sản lượng dược liệu được kiểm soát vùng trồng, thu hái bao gồm dược liệu đạt GACP-WHO là 2.989 tấn, chiếm 88,4% tổng nhu cầu sản xuất). Tổng nhu cầu sử dụng sản xuất là 3.383 tấn bao gồm hơn 100 loại dược liệu, 100% nguyên liệu đầu vào được kiểm soát đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Traphaco đang hợp tác với 675 hộ dân trồng, hái dược liệu đạt chuẩn GACP-WHO mà Páo và Vần là một phần trong đó. Bền vững, không chỉ là chiến lược dùng cho một mình công ty, nó còn là sự bền vững cho người dân khi tham gia vào chuỗi.
Traphaco hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, cam kết thu mua nguyên liệu với giá cao, giúp họ có nguồn thu nhập khá và ổn định. Nhiều hộ gia đình đã có thể mua được "tivi actiso", "xe máy actiso" từ việc bán dược liệu cho Traphaco, tương tự Páo.
Không những thiết lập được nguồn dược liệu sạch, bền vững cho doanh nghiệp, giải quyết được việc làm cho người dân, việc làm của Traphaco còn giúp bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý của Việt Nam.
Trên thực tế, từ năm 2015, Traphaco Sapa trở thành thành viên của Liên minh thương mại sinh học có đạo đức (UEBT) với cam kết thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, tôn trọng tri thức truyền thống và đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích giữa các bên liên quan đồng thời khẳng định quá trình sản xuất của công ty không ảnh hưởng đến hệ sinh thái nguyên sơ, sản xuất sạch và không tác động tiêu cực tới môi trường.
Những vùng dược liệu xanh ngắt của Traphaco đồng thời được xem là ví dụ tích cực cho việc phát triển và bảo tồn cây thuốc Việt.
Việt Nam, trên thực tế là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu. Theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y – Dược (Bộ Y tế), Việt Nam có truyền thống sử dụng y học cổ truyền cũng như chứa đựng nhiều tri thức về sử dụng dược liệu, nhiều bài thuốc quý. "Nam dược trị nam nhân" là phương châm từ hàng trăm năm nay, ông cha truyền lại, ông Đạt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cho biết Việt Nam thuộc vùng 4 khí hậu nóng ẩm, thuận lợi cho đa dạng sinh học. Thổ nhưỡng, khí hậu tương thích, nên được đánh giá là thích hợp cho các loài cây, trong đó có cây thuốc phát triển.
Kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật để sử dụng làm thuốc. Trong đó, có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Tính riêng thị trường nội địa, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng 60 – 80.000 tấn/năm. Còn khối lượng xuất khẩu khoảng gần 5.000 tấn, đem lại giá trị trên 6 triệu USD/năm. Giá trị kinh tế từ những cây thuốc này cao hơn hẳn so với cây nông nghiệp thông thường, đơn cử, từ 5 – 10 lần cây lúa.
Ví dụ, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm, cây atiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/ha/năm.
Nhưng dù có tiềm năng lớn, một nghịch lý đang diễn ra là Việt Nam mới chỉ chủ động được 25% nhu cầu, 75% phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Việt Nam về dược liệu.
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam hồi tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định "kho tàng dược liệu là vô giá và 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được". Cây thuốc không chỉ xoá đói, giảm nghèo mà còn giúp người dân làm giàu nếu biết tổ chức, quản lý tốt. Thủ tướng, hôm đó cũng yêu cầu những chính sách đặc thù để cây dược liệu nói riêng, và ngành dược nói chung, có thể phát triển đúng tầm mà nó đáng có.