Tuy vậy, bên cạnh sự tiện lợi, hình thức giao dịch trực tuyến đã phát sinh không ít rắc rối cho người dùng, như việc chuyển khoản nhầm có thể đẩy các chủ tài khoản rơi vào tình cảnh người mất tiền, người phạm tội.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank xác nhận trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19, tần suất chuyển tiền online ngày càng tăng, thường dẫn đến khá nhiều vụ chuyển tiền nhầm. Khi phát hiện việc này, khách hàng phải đến NH mà họ đã chuyển tiền để được hướng dẫn giải quyết. Khi đó, nếu việc chuyển nhầm tiền do lỗi của khách hàng thì NH không thể cung cấp thông tin người nhận tiền vì pháp luật không cho phép. NH cũng không được phép can thiệp vào tài khoản người nhận hay tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận tiền. Tuy nhiên, NH vẫn hỗ trợ người chuyển tiền nhầm bằng cách liên hệ với người nhận tiền, động viên họ trả lại. Trường hợp người nhận tiền không trả thì NH sẽ có văn bản thông báo xác nhận việc chuyển nhầm tiền. Khi đó, người chuyển tiền có thể tố cáo người nhận tiền với cơ quan công an hoặc khởi kiện lên tòa án.
Tuy vậy, một số luật sư cho hay không phải vụ chuyển nhầm tiền nào, các cơ quan chức năng đều vào cuộc. Bởi lẽ, người nhận tiền thường ở rất xa so với người chuyển, thông tin của người nhận tiền quá sơ sài không thể xác minh được hay số tiền phải đòi lại quá nhỏ so với công sức, chi phí mà người chuyển tiền và các cơ quan chức năng bỏ ra.
Luật sư Phạm Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết ông từng chứng kiến người chuyển tiền nhầm tự tìm kiếm số điện thoại của người nhận rồi liên hệ yêu cầu người này trả lại, đồng thời ghi âm nội dung các cuộc gọi để làm bằng chứng. "Trong những lần trao đổi qua lại, người nhận tiền thừa nhận đã tiêu xài hết và cố tình không hoàn trả. Lúc đó, người chuyển tiền nhầm cung cấp cho cơ quan chức năng văn bản thông báo của NH về việc chuyển tiền nhầm cùng các chứng cứ liên quan. Từ đó, cơ quan công an vào cuộc, tiến hành khởi tố hình sự người nhận tiền" - luật sư Phạm Văn Đức phân tích.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà (Công ty Luật SB Law), tình trạng chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác xảy ra trong thời gian qua khá nhiều và người chuyển nhầm tiền rất khó đòi lại khi người nhận chây ì hoặc cố tình không trả. "Trong trường hợp đó, người nhận được tiền chuyển nhầm đã có dấu hiệu phạm tội "Chiếm giữ trái phép tài sản". Theo điều 176 Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người đó có thể bị phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự"- luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo.
Để tránh xảy ra hậu quả, theo cơ quan công an, khi nhận được tiền do người lạ chuyển khoản, người nhận không được sử dụng số tiền đó và nếu thật sự là tiền chuyển nhầm thì sẽ có NH liên hệ để làm rõ. Người nhận cũng có thể chủ động liên hệ với NH để giải quyết. Nếu là số tiền nhỏ, người nhận có thể yêu cầu NH cung cấp bản sao kê để đối chiếu thông tin nhận được và tiến hành chuyển trả lại. Nếu là số tiền lớn thì người nhận cần liên hệ trực tiếp với NH để xác minh. Trường hợp nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để được xử lý theo quy định.