Nhiều thành phố xây dựng các tòa nhà cao tầng, đường sá quy hoạch đẹp song vắng người.
Những thành phố "ma" không bóng người
Tờ Business Insider cho hay, nếu lái xe 1-2 tiếng ra ngoài các thành phố như Bắc Kinh hay Thượng Hải (Trung Quốc), bạn sẽ thấy điều gì đó kỳ lạ. Các thành phố vẫn có những tòa nhà cao tầng, hiện đại, trong tình trạng tốt. Tuy nhiên, không giống các thành phố cấp 1 nhộn nhịp, những tòa nhà này trống rỗng.
Trong chương trình "60 Minutes" của đài CBS năm 2013 đã chiếu hình ảnh về các thành phố "ma" ở Trung Quốc. Mở đầu phóng sự, phóng viên Lesley Stahl đi trên những con đường rộng vào giờ cao điểm mà hầu như không có chiếc xe hơi nào trong tầm mắt.
Những tòa nhà bị bỏ hoang ở Thiên Tân (Ảnh: Getty) |
Trong khi có thông tin về công ty bất động sản Evergrande mắc khoản nợ 300 tỷ USD, các thành phố "ma" cũng trở thành mối quan tâm. Những thành phố kiểu này minh chứng cho cho sự phụ thuộc của Trung Quốc vào bất động sản như một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và niềm tin lĩnh vực này như một khoản đầu tư an toàn, nhưng số lượng chính xác các thành phố đó rất khó xác định.
Giáo sư Li Gan (Đại học Texas A&M) kiêm Giám đốc Trung tâm Khảo sát và Nghiên cứu về Tài chính Hộ gia đình Trung Quốc tại Đại học Kinh tế và Tài chính Tây Nam ở Thành Đô (Tứ Xuyên Trung Quốc) đồng thời là một trong những chuyên gia hàng đầu về thị trường nhà ở của Trung Quốc không có câu trả lời khi được phóng viên tờ Business Insider hỏi về số lượng các thành phố "ma" ở Trung Quốc.
Tờ Business Insider cho hay, được biết đến nhiều nhất trong số các thành phố ma ở Trung Quốc là Ordos hay tên khác là Kangbashi tại khu vực tự trị Nội Mông.
Thành phố được xây vào đầu những năm 2000 và được kỳ vọng là nơi ở của 1 triệu người. Tuy nhiên, tính đến năm 2016 chỉ có 100.000 người sống ở đây. Cuối cùng Kangbashi cũng thu hút được người dân sau khi Trung Quốc chuyển một số trường top đầu tới thành phố.
Hồi năm 2015, nhiếp ảnh gia Kai Caemmerer đã đến Trung Quốc để khám phá thành phố Ordos. Những bức ảnh chụp được cho thấy, các dãy nhà cao tầng vô tận mà hầu như không có bất cứ dấu hiệu nào về con người sinh sống.
Những đường phố vắng vẻ dù được quy hoạch tốt ở Ordos, Trung Quốc (Ảnh: South China Morning Post) |
Những căn hộ không có người ở này chiếm một phần đáng kể ở thị trường nhà ở Trung Quốc. Dữ liệu khảo sát do Giáo sư Li Gan thực hiện cho thấy, năm 2017 có 65 triệu ngôi nhà bị bỏ trống. Số nhà đó có thể chứa toàn bộ dân số của Pháp.
Business Insider cho hay, các thành phố "ma" ở Trung Quốc không phải là những thành phố ở trong tình trạng xuống cấp. Thay vào đó, các thành phố này có những căn hộ được mua như một khoản đầu tư. Đây cũng là dấu hiệu của cung cầu không gặp nhau.
Dòng tiền đổ vào bất động sản
Xin Sun, giảng viên cấp cao về kinh doanh Trung Quốc và Đông Á tại King's College London, nói với Insider: "Những ngôi nhà này đang trống có nghĩa là chúng đã được bán hết cho các nhà đầu tư và người mua, nhưng không được chủ sở hữu hoặc người mua ở".
Mỗi năm, Trung Quốc xây dựng 15 triệu ngôi nhà mới - gấp 5 lần so với Mỹ và châu Âu cộng lại, tờ The Economist đưa tin hồi tháng 1. Ngoài việc để tăng nguồn cung nhà ở thì còn có vấn đề ở tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc. Dữ liệu từ Ngân Hàng Thế giới cho thấy, 61% dân số Trung Quốc sống ở các thành phố vào năm ngoái, trong khi 2 thập kỷ trước chỉ là hơn 38%.
Theo chuyên gia Xin Sun, về phía nhu cầu, xu hướng tăng của giá nhà đã tạo ra nhu cầu mua bất động sản thứ hai và thứ ba. "Trong vòng 2 thập kỷ, giá nhà đã tăng gấp nhiều lần ở nhiều nơi, kể cả các thành phố lớn. Hầu hết mọi người ở Trung Quốc chưa trải qua một vụ vỡ bong bóng bất động sản đáng kể như những gì Mỹ đã trải qua vào năm 2008 hay Nhật Bản trong những năm 1990. Điều này dẫn đến niềm tin rằng bất động sản là cách tốt nhất để bảo toàn và tạo ra của cải. Điều này kích thích mua thêm bất động sản".
Năm 2017, Bloomberg mô tả kịch bản ác mộng của Bắc Kinh là mọi người vội vã bán đi bất động sản thứ hai nếu thị trường có "vết nứt". Tuy nhiên, chuyên gia Lin Gan cho rằng, đây không phải là viễn cảnh đang xảy ra ở Trung Quốc nhưng không phải thị trường không có "vết nứt".
Thay vào đó, cơ quan chức năng đang siết các quy định hoàn thành một giao dịch mua bán bất động sản để không khuyến khích chủ nhà bán nhà. Do đó, mức giá không giảm quá nhanh nhưng khối lượng giao dịch sụt giảm hàng loạt. Động thái này có thể gây áp lực cho những người cần bán nhà để huy động tiền mặt, chuyên gia này cho hay.
Quỳnh Hương (Theo Business Insider)