"Không biết nhà sập lúc nào"
Ngôi nhà rộng khoảng 30 m2 của vợ chồng anh Trung, chị Thủy nằm trên tầng 5 của tập thể Ngọc Khánh, Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng. 4 bức tường ẩm mốc, trần nhà thấm giột sau những ngày mưa liên tiếp. Không ít lần, vợ chồng anh Trung mang chiếu ra hành lang nằm, chờ... nhà khô.
Trên trần, anh Trung căng bạt để hứng nước mưa. Dưới sàn, chị Thủy đặt khăn để thấm nước. Cuộc sống tạm bợ như vậy của gia đình anh đã tiếp diễn từ nhiều năm nay.
Ở tầng 4, bà Tâm năm nay gần 80 tuổi, kể rằng mấy ngày nay bà không thể khóa cửa vì cửa bỗng nghiêng hẳn sang một bên. “Khổ lắm. Khu này nhà nghiêng, móng lún, sập lúc nào không hay”, bà Tâm than thở.
Khu tập thể Ngọc Khánh được cảnh báo nguy hiểm, 70 hộ dân đang phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo nhà sập. Ảnh: Lâm Tùng.
Ngọc Khánh là khu tập thể làm ví dụ điển hình cho câu chuyện về những khu nhà xuống cấp nghiêm trọng ở Hà Nội. Khu nhà nằm trên khoảng đất có vị trí đắc địa giữa quận Ba Đình với giá mỗi m2 đất lên đến hàng trăm triệu đồng. Dù thế, đời sống của cư dân giống như sống trong nhà ổ chuột.
Từ nhiều năm nay, 2 đơn nguyên của khu tập thể Ngọc Khách bị tách ra theo hình chữ V. Khe hở ban đầu được xác định là 7 cm, nhưng đến nay đã lên đến 45-50cm. Một kỹ sư xây dựng về hưu sống tại đây chia sẻ với Người đồng hành: “Mỗi năm, khe hở hình chữ V lại rộng hơn một chút, kéo theo đó là những căn bộ bị nghiêng, cột trụ nứt toác, không biết dãy nhà sẽ còn trụ được bao lâu trước khi đổ ập xuống”.
Vị này cho biết thêm, khu tập thể bắt đầu xuống cấp từ những năm 2000. Từ đó đến nay, không ít hộ dân đã trình đơn xin “giải cứu” với mong muốn được nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà ở. Nhiều nhà đầu tư đã cử người đến khảo sát, xem xét nhưng đến nay, người dân vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể nào về kế hoạch cụ thể.
Mặc dù chất lượng nhà ở xuống cấp song không phải ai cũng đủ điều kiện chuyển đi. Các dự án chung cư lân cận đều có giá 4-5 tỷ đồng, trong khi phần lớn cư dân các khu tập thể đều đã quá tuổi lao động, sống nhờ lương hưu.
2 đơn nguyên vốn liền nhau, nay bị đổ nghiêng, cách nhau khoảng 45-50 cm. Ảnh: Lâm Tùng.
Được cảnh báo là khu nhà ở thuộc dạng nguy hiểm, nhưng những người dân đang sinh sống tại đây không còn lựa chọn nào khác là “tiếp tục sống chung với lũ”.
Cách đó chưa đến 2 km là khu tập thể Thành Công. Cũng trong tình trạng báo động xuống cấp, nhiều hộ dân bày tỏ lo lắng khi cuộc sống không còn được đảm bảo. Sống ở khu vực trung tâm của Thủ đô, song khi kể về đời sống bên trong các căn nhà trên dưới 50 tuổi, các hộ dân đều lắc đầu lo lắng.
“Trước đây Nhà nước cấp nhà cho công chức, viên chức. Mỗi căn hộ chỉ có 2 - 3 người. Qua bao nhiêu năm, có căn hộ trở thành nơi ở chung của vài ba thế hệ. Người đông, nhà chật lại thêm chất lượng đi xuống, ai cũng muốn rời đi nhưng điều kiện không cho phép”.
15 năm chờ nhà đầu tư
Tại khu tập thể Ngọc Khánh, nhiều căn nhà hiện tại đang bỏ không, không có ngưởi ở. Một số căn cho công nhân xây dựng công trình thuê với mức giá vài triệu đồng/tháng.
Trước đây, các căn hộ được cấp cho công nhân, cán bộ làm việc tại Hà Nội. Qua thời gian, nhiều thế hệ cùng sinh sống, các hộ dân tiến hành cơi nới bằng công cả công trình kiên cố lẫn tạm bợ. Ảnh: Lâm Tùng.
“Những ai đủ điều kiện đều đã đều đã rời đi, chỉ còn những người thu nhập đủ ăn, đủ mặc ở lại. Chẳng ai muốn ở lại chờ chết, nhưng tiền đâu ra để đi bây giờ”, bà Tâm, sống tại khu tập thể này, nói.
Câu chuyện đi hay ở, theo lời cư dân kể lại, đã được bàn tính từ 15 năm trở lại đây. Ngoài yếu tố tài chính, không ít người chọn ở lại các khu tập thể cũ vì đã quen với môi trường sống, và cũng vì chờ các nhà đầu tư đến cải tạo, đền bù.
Chia sẻ với Người đồng hành, tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Thành Công, cho hay trước năm 2010, một nhà đầu tư đã có điều tra xã hội học và ghi nhận ý kiến, nguyện vọng về nhu cầu tái định cư của người dân. Đa số người dân đều bày tỏ mong muốn được tái định cư tại chỗ, chấp nhận hệ số đền bù 2,2 và 2,5. Tuy nhiên, mọi việc dừng lại ở đó.
Một số khu nhà tại tập thể Ngọc Khánh, Thành Công đã được phân loại vào nhóm nguy hiểm. Ảnh: Lâm Tùng.
Gần đây nhất, năm 2017, một nhà đầu tư khác cũng điều tra, tìm hiểu các khu nhà tập thể khu Thành Công song từ đó đến nay, người dân vẫn chưa nhận được thông tin gì mới.
Tương tự, ông Trí, sống tại tập thể Ngọc Khánh cũng nói cách đây 2 năm, một nhà đầu tư đã thỏa thuận xong phương án cải tạo, đền bù, đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân. Song việc cải tạo vẫn chưa được triển khai.