Có lẽ câu chuyện thủ tục pháp lý BĐS chưa bao giờ làm doanh nghiệp hết "phiền lòng, đau đầu".
Chia sẻ tại toạ đàm "Tạo đà phục hồi thị trường BĐS phía Nam" diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holdings cho rằng, doanh nghiệp có thực hiện một dự án tại Bình Chánh (TP.HCM), dự án đấy từ khi có được chấp thuận chủ đầu tư, thì phải đến 4 năm mới hoàn thành thủ tục pháp lý.
"Nếu mỗi năm mất 10% về lãi vay thì chúng tôi phải mất 4 năm trả khoản lãi vay đó", vị TGĐ này giãi bày.
Trong khi đó, tiến về thị trường tỉnh để đầu tư dự án, thì lại có sự "phân biệt". Một số tỉnh ưu tiên quỹ đất đẹp, đắc địa cho các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp quy mô nhỏ tiếp cận quỹ đất cực kì khó. Thậm chí, với những dự án có pháp lý sẵn, doanh nghiệp phải chấp nhận mua giá cao, chấp nhận lãi ít đi, chỉ có cách đó mới tiếp cận được dự án.
Theo ông Hậu, hiện nay thủ tục pháp lý rất khó khăn. Ở tỉnh hiện nay, từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến chấp thuận đầu tư đến khi nghiệm thu cơ sở hạ tầng kỹ thuật rồi ra sổ cho khách hàng mất 1-2 năm, còn ở TP.HCM trung bình mất khoảng 5 năm nếu thuận lợi, còn không thì mất nhiều thời gian hơn.
"Tôi mong muốn làm sao đó để doanh nghiệp tiếp cận với quỹ đất nhiều hơn còn tài chính doanh nghiệp có thể sắp xếp được", ông Hậu nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ tại toạ đàm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group cho hay, thực tế, khi phát triển BĐS, doanh nghiệp có 3 yếu tố là đất, năng lực pháp lý và tài chính. Muốn dùng đất để xây dựng thì phải thực hiện đúng quy hoạch.
Về nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp quan tâm các dự án thực hiện ở địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… nhưng để tiếp cận thì không đơn giản. Doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đa phần đều lỗ, không hiệu quả, việc quyết toán nhà ở xã hội rất khó khăn.
Tương tự, với các dự án nhà ở thương mại, khi thực hiện thủ tục pháp lý, không thể bỏ đi bất cứ mắt xích nào. Vấn đề là thời gian giải quyết mắt xích là bao lâu thôi.
"Như chúng tôi thực hiện 1 dự án BĐS ở Bình Dương, dù được ủng hộ, nhưng vẫn mất đến 2,5 năm mới hoàn tất thủ tục pháp lý. Nói chung, thời gian làm thủ tục pháp lý rất lâu và ảnh hưởng lớn đến chi phí doanh nghiệp", ông Phúc cho hay.
Ông Phúc cho rằng, doanh nghiệp BĐS rất muốn tăng nguồn cung ra thị trường nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong vấn đề pháp lý, bên cạnh câu chuyện quỹ đất. Đây chính là những "cái khó bó cái khôn" đối với doanh nghiệp BĐS.
"Tôi cho rằng, các địa phương cần tạo quỹ đất để doanh nghiệp tham gia làm dự án. Tôi tin, một khi tìm thấy cơ hội thì doanh nghiệp sẽ thực hiện được. Cái khó của doanh nghiệp không phải là ở tài chính mà là quỹ đất và pháp lý. Nhất là vấn đề pháp lý, doanh nghiệp không thể chủ động được. Điều này chính ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn cung ra thị trường", ông Phúc nhấn mạnh.
Ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng phát triển nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng) bày tpr: Tháng 12/2021, TP.HCM ban hành quyết định kế hoạch phát triển nhà ở 2021-2025, chia ra các khu vực trung tâm hiện hữu, khu vực ngoại thành… Lãnh đạo thành phố cũng quan tâm đến các doanh nghiệp khi lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Sở Xây dựng Tp.HCM cũng thường xuyên kiểm tra giám sát các dự án nhà ở thương mại chậm triển khai, để có biện pháp xử lý, đảm bảo tiến độ dự án đã được phê duyệt. Đối với nhà ở xã hội, chung cư cũ, chúng tôi cũng đã có rà soát, tham mưu cho UBND TP.HCM.
"Về thủ tục đầu tư, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp với các sở, ngành. Nếu đạt yêu cầu, đảm bảo sẽ có 4 bước thực hiện, từ 150 ngày xuống 130 ngày. Đối với dự án liên quan đất công, thủ tục, trình tự cũng rất phức tạp. Nhưng TP.HCM sẽ rút ngắn thời gian xuống dưới 305 ngày. Khi chúng tôi rà soát xong sẽ mời gọi đầu tư. Nếu có đất sạch, doanh nghiệp đề xuất thì cơ quan chức năng sẽ theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án", ông Tùng cho hay.