Ngay cả khi so sánh với những đợt biến động của TTCK Trung Quốc, thì sự trồi sụt của Didi Global vào cuối tuần trước vẫn là bất thường. Chỉ trong vài giờ, cổ phiếu của gã khổng lồ ngành gọi xe từ mức tăng 16% quay đầu giảm 12%, sau đó chuyển sang vùng "xanh" và lại lao dốc. Đó là những gì diễn ra trước giờ mở cửa phiên 3/12 ở New York.
Cuối ngày hôm đó, Didi mất 22% và kéo tụt các cổ phiếu Trung Quốc khác đang giao dịch tại Mỹ, khiến 1 nghìn tỷ USD vốn hóa bị "thổi bay" kể từ tháng 2. Chuyến tàu lượn siêu tốc hôm thứ Sáu có nguyên nhân từ việc Didi công bố kế hoạch chuyển sang niêm yết tại Hong Kong. Điều này cho thấy việc đặt cược vào các cổ phiếu Trung Quốc đang cực kỳ rủi ro.
Diễn biến cổ phiếu Didi.
Kế hoạch cải cách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình đã rõ ràng hơn so với tháng 11 năm ngoái. Song, nhà đầu tư vẫn mù mờ về các chi tiết trong chính sách ảnh hưởng đến tương lai của các công ty niêm yết lớn nhất nước này.
Câu hỏi lớn hơn đang hiện hữu với TTCK Trung Quốc đó là: ông Tập sẵn sàng mạnh tay đến đâu với nhà đầu tư, khi nỗ lực siết chặt quy định với lĩnh vực tư nhân?
Theo Jun Rong Yeap - chiến lược gia thị trường tại IG Asia, những gì diễn ra với Didi như một lời nhắc nhở về những rủi ro pháp lý với chứng khoán Trung Quốc.
Tuần trước, đợt bán tháo cổ phiếu Trung Quốc tại Mỹ đã khiến Nasdq Golden Dragon China Index giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Do đó, các quỹ quản lý tài sản và nhà phân tích Phố Wall - đã chuyển sang đặt cược giá tăng, chịu ảnh hưởng nặng nề.
HSBC Holdings Plc, Nomura Holdings Inc. và UBS Group AG đều dự báo chứng khoán Trung Quốc sẽ có chuyển biến tích cực trong tháng 10. Họ nêu rõ lý do là mức định giá rất thấp và tâm lý sợ hãi đối với việc Bắc Kinh siết chặt "gọng kìm" bớt căng thẳng. BlackRock Inc. và Fidelity International cũng nằm trong số các quỹ đưa ra lập luận tương tự.
Kế hoạch hủy niêm yết của Didi được đưa ra sau động thái thúc giục của Bắc Kinh. Trước đó, giới chức đã bày tỏ sự lo ngại với đợt IPO của Didi ở New York vì khả năng làm rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Trong thông báo mới, Didi cho biết nhà đầu tư hiện tại sẽ được phép chuyển đổi cổ phần đang nắm giữ thành cổ phiếu mới được giao dịch công khai.
Ông Tập nêu rõ quan điểm rằng mối ưu tiên của chính phủ là bảo mật dữ liệu, kiểm soát chặt chẽ hơn các gã khổng lồ công nghệ và phân chia tài sản theo khuôn khổ "thịnh vượng chung". Những yếu tố này sẽ đứng trước việc bảo vệ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc Didi hủy niêm yết cho thấy ông Tập ngày càng tự tin hơn rằng ông có thể đạt được mục tiêu mà không cần sự hỗ trợ của thị trường vốn Mỹ.
Sam Le Cornu - đồng sáng lập và CEO của Stonehorn Global Partners, nhận định cổ phiếu rớt giá chính là cơ hội mua vào cho nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Song, ông cũng cảnh báo rằng con đường phía trước của các công ty công nghệ Trung Quốc có thể vẫn còn rất nhiều chông gai.
Hiện tại, Didi đang lên kế hoạch niêm yết tại Hong Kong vào tháng 3. Tuy nhiên, ngoài việc xác định mức giá hợp lý, công ty này cũng có thể phải đối mặt với một số vụ kiện. Hơn nữa, vẫn chưa có gì đảm bảo Hong Kong sẽ chính thức phê duyệt thương vụ này.
Về lâu dài, rủi ro pháp lý đối với các công ty Trung Quốc ít có dấu hiệu biến mất. Bắc Kinh được cho là đang soạn thảo các quy định để cấm các công ty niêm yết trên thị trường nước ngoài thông qua VIE. Trong khi đó, chính phủ Mỹ cũng đang thúc đẩy nỗ lực trừng phạt các công ty Trung Quốc không tuân thủ yêu cầu minh bạch thông tin.
Tham khảo Bloomberg