Ghi nhận sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư diễn ra mới đây của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết quý 2/2019 MWG kỳ vọng tăng trưởng doanh số đến từ các cửa hàng hiện hữu (SSS) và biên lợi nhuận của tất cả các chuỗi.
Doanh thu mảng thiết bị nhà bếp sẽ đạt 7.000 tỷ đồng năm 2019
Nhìn lại kết quả kinh doanh quý 1/2019, với hai chuỗi chủ lực hiện nay là điện thoại di động (TGDĐ) và điện máy (ĐMX), tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (SSSG) tính chung trong quý 1/2019 cho cả chuỗi điện thoại di động và điện máy là 5%. Theo VCSC, MWG đã giành thêm thị phần trong tất cả các phân khúc trong quý 1/2019, thể hiện qua tăng trưởng doanh thu cao hơn của công ty so với thị trường chung. Đối với mảng điện thoại di động, MWG có kế hoạch tận dụng quy mô lớn của mình nhằm có được các mẫu điện thoại độc quyền từ nhà cung cấp. MWG hiện đặt kế hoạch doanh thu từ mảng ĐTDĐ sẽ tăng trưởng hơn 10% trong năm 2019.
Đồng thời, tăng trưởng doanh thu kỳ vọng ít nhất 20% cho ngành hàng điện máy trong năm nay, chủ yếu dẫn dắt với ngành hàng máy lạnh (tăng trưởng >50%) và tủ lạnh & máy giặt (tăng 25-30%). Trong khi đó, dù có hiệu ứng cơ sở cao trong năm 2018 do các sự kiện đặc biệt như World Cup và AFF Cup, ban lãnh đạo vẫn kỳ vọng doanh thu mảng TV sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 15% trong năm 2019.
Với việc triển khai mô hình mới cho chuỗi DMX, MWG đặt kế hoạch gia tăng doanh số sản phẩm gia dụng nhỏ và thiết bị nhà bếp lên 40% đạt 7.000 tỷ đồng vào năm 2019. Mức đóng góp lớn hơn từ mảng có biên LN cao này có thể giúp hỗ trợ biên lợi nhuận gộp của DMX.
Đặc biệt, trong quý 1/2019, MWG đã thử nghiệm bán đồng hồ thời trang tại 2 cửa hàng điện thoại ở Tp.HCM. Đây được xem là chiến lược thúc đẩy và duy trì tăng trưởng của MWG cho năm 2019, khi hai mảng chủ lực giảm tốc, trong lúc Bách Hoá Xanh chưa thể đạt điểm hoà vốn (tính cả chi phí tổng kho).
Biên lợi nhuận gộp mảng đồng hồ của MWG có thể vượt 40% - gấp đôi đối thủ PNJ
Phát biểu tại ĐHĐCĐ mới đây, để đạt được mức tăng 25% cho năm nay, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết sẽ phải bán cái chưa từng bán, "Các bạn đã thấy đồng hồ xuất hiện chưa?" và tiếp cận được nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận được hoặc chưa từng quan tâm đến hàng. Trong đó, cái đầu tiên là bán đồng hồ MWG đã nhá hàng, còn cái thứ hai thời gian tới sẽ thực hiện song hành, đại diện MWG khẳng định.
Trở lại với mảng đồng hồ, tính đến hiện tại, các cửa hàng này đã ghi nhận doanh số bán đồng hồ tích cực, đạt trung bình 500 chiếc được bán ra tại mỗi cửa hàng/tháng và đóng góp thêm khoảng 5% doanh số cho các cửa hàng này. Theo ban lãnh đạo, diễn biến tích cực từ doanh số bán đồng hồ đã phần nào được hỗ trợ bởi các chương trình khuyến mãi của MWG, khi biên lợi nhuận gộp của sản phẩm đồng hồ thời trang có thể vượt 40%, MWG hiện đang bán với mức giá chiết khấu hơn 20% so với giá niêm yết để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, điều này vẫn giúp đóng góp lợi nhuận cho các cửa hàng, khi việc kinh doanh đồng hồ thời trang không tốn thêm chi phí hoạt động cho TGDĐ ngoài chi phí đầu tư ban đầu.
Thực tế, việc tận dụng cửa hàng hiện hữu để kinh doanh đồng hồ cũng được một đại gia bán lẻ khác là PNJ áp dụng. Sớm nhận thấy tiềm năng từ mặt hàng này với giá trị thị trường tỷ đô, trong khi việc phân phối còn phân mảng, bát nháo hàng thật hàng giả… PNJ đã nhảy vào từ năm 2012, sau gần 8 năm thử nghiệm, đến năm 2018-2019 PNJ mới tuyên bố sẽ đẩy mạnh và đặt mục tiêu thu lợi nhuận lớn từ lĩnh vực này.
Và, mặc dù đi trước MWG những 8 năm, hiện biên lợi nhuận gộp của mảng đồng hồ PNJ vẫn còn khá thấp, nếu so với con số 40% như đề cập ở trên. Thống kê, sau 5 năm thử nghiệm, doanh thu bán đồng hồ tại PNJ tăng 3 lần lên mức 27 tỷ vào năm 2018, tuy nhiên lợi nhuận gộp thu về tăng chậm hơn, biên lãi gộp theo đó tính quân bình giai đoạn vào mức 20%, chỉ bằng phân nửa so với MWG!
Doanh thu và lợi nhuận gộp mảng đồng hồ của PNJ 2013-2018 (Đvt: Tỷ đồng)
Hơn nữa, sau khi nhận thấy các tín hiện tích cực ban đầu, MWG có kế hoạch đưa lượng cửa hàng bán đồng hồ lên con số 30 vào cuối quý 2/2019.
Bách Hoá Xanh đã thương lượng thành công với 60% nhà cung cấp FMCG
Còn với chuỗi Bách hóa (BHX), biên lợi nhuận gộp đã vượt 18% trong tháng 3/2019. Được biết, bắt đầu từ tháng 3/2019, BHX đã mua cá trực tiếp từ ngư dân và vận chuyển đến các cửa hàng trong vòng 48 giờ. Điều này sẽ giúp thúc đẩy cả biên lợi nhuận gộp và doanh số sản phẩm tươi sống từ quý 2/2019. Tỷ lệ hư hỏng hàng hóa đã được kiểm soát tốt, tương ứng khoảng 2,5% doanh số trong tháng 3/2019.
Ngoài ra, MWG cũng đang có kế hoạch gia tăng doanh số từ trái cây nhập khẩu từ quý 2/2019 nhờ trực tiếp lấy nguồn từ các nhà cung cấp nước ngoài. Sản phẩm trái cây nhập khẩu của BHX sẽ phần lớn đến từ các quốc gia phương Tây. Lấy ví dụ, BHX hiện đang nhập khẩu táo và cherry từ Mỹ và New Zealand cũng như cam và nho từ Úc và Nam Phi.
Tính đến hiện tại, BHX đã thương lượng thành công với 60% nhà cung cấp FMCG (hàng tiêu dùng nhanh), do đó biên lợi nhuận gộp sản phẩm FMCG có thể tăng thêm 1-1,5 điểm phần trăm từ tháng 4/2019.
Ghi nhận, các cửa hàng mới ở các tỉnh thành ngoài Tp.HCM hiện đang ghi nhận doanh số/cửa hàng cao. Trong tháng 4/2019, các cửa hàng này ghi nhận doanh số/cửa hàng trung bình đạt 1,6-2 tỷ đồng.