Sự xuất hiện lặng lẽ
Sáng sớm ngày 27/2, khi Trung tâm Báo chí Quốc tế (INC) chỉ lác đác một vài phóng viên, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đột ngột tới kiểm tra công tác chuẩn bị và đảm bảo vận hành của INC. Ông Bảo đi một mình và gần như không ai chú ý tới sự xuất hiện của vị lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông.
Trên khuôn viên 30.000 m vuông, INC gồm nhiều tổ hợp công trình. Riêng khu vực dành cho báo chí cũng phải chia thành 2 và hoàn toàn cách biệt. Việc di chuyển giữa khu vực này sang khu vực khác buộc phải trải qua quá trình kiểm tra an ninh. Trong suốt chuyến thị sát, ông Bảo phải bỏ điện thoại và ví ra ngoài để bước qua thiết bị soi chiếu như những người đang tác nghiệp tại đây.
Theo quy định, ngoài tên và ảnh, những chiếc thẻ ra vào Trung tâm Báo chí chỉ ghi đơn vị công tác. Thẻ của Thứ trưởng cũng không phải ngoại lệ. Nó không ghi bất cứ thông tin gì về chức danh của vị lãnh đạo Bộ nên chỉ vài người có thể nhận ra ông, trong đó không có lực lượng an ninh kiểm soát lối ra vào Trung tâm báo chí.
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo tại Trung tâm Báo chí Quốc tế.
Trong cuộc họp báo ngày 25/2, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Bộ TTTT sẽ cử 2 đồng chí Thứ trưởng trực tiếp có mặt để giải quyết các vấn đề liên quan tới phóng viên. Đây là hai thứ trưởng phụ trách về Hạ tầng và Thông tin Tuyên truyền của Bộ TTTT". Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo là một trong hai người được Bộ TTTT giao nhiệm vụ này.
Chuyến thị sát của Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo hoàn toàn bất ngờ với những người biết ông trong trung tâm báo chí. Thực tế, ông Bảo đơn giản thực hiện đúng nhiệm vụ của mình được giao: giám sát, kiểm tra tại hiện trường xem mọi thứ có vận hành tốt như dự kiến hay không, bên cạnh việc phải xử lý sự cố ngay lập tức (nếu phát sinh). Và trong chuyên thị sát, ông Bảo tự đi tìm những người ở khu vực họ phụ trách để đảm bảo việc vận hành ở mức tốt nhất.
Tốc độ đường truyền gấp đôi APEC, thời gian chuẩn bị ngắn hơn nhiều
Tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí, các phóng viên trong và ngoài nước đều tỏ ra rất hài lòng với sự chu đáo của nước chủ nhà. Đồ ăn, nước uống và cả phương tiện đi lại đều miễn phí khiến việc tác nghiệp trở nên thuận tiện hơn. Tuy nhiên, mạng Internet và các kênh sóng truyền hình vệ tinh mới là yếu tố sống còn cho các phóng viên.
Cung Văn hóa hữu nghị Việt – Xô, công trình được xây dựng từ hơn 30 năm trước, vốn không có hạ tầng để đảm bảo cho việc trở thành Trung tâm Báo chí Quốc tế. Toàn bộ đường truyền Internet và đường dẫn vệ tinh đều được Viettel, VNPT và Đài Truyền hình Việt Nam lắp đặt mới hoàn toàn phục vụ các phóng viên trong và ngoài nước. Tất cả chỉ diễn ra trong chưa đầy 10 ngày.
Về Internet, nếu hơn 3.500 phóng viên ở đây đều sử dụng Wifi, đường truyền vẫn đáp ứng đủ và cung cấp tốc độ tối thiểu là 5 MB/s; đường truyền quốc tế cũng sẽ được đảm bảo ở mức thấp nhất là 3 MB/s. Ngoài ra, còn có 1.500 điểm truy cập Internet cố định. Tốc độ đường truyền quốc tế với mạng có dây là 10 MB/s trong khi dùng thông thường là 20 MB/s. Đường truyền vào khu vực báo chí đạt 80 GB/s trong khi đường truyền đi quốc tế là 40 GB/s.
Nhân viên kỹ thuật hỗ trợ phóng viên tại Trung tâm Báo chí Quốc tế.
Để có được điều này, 200 cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Viettel và 170 cán bộ, nhân viên của Tập đoàn VNPT đã phải làm việc liên tục trong nhiều ngày đêm. Thách thức lớn nhất không chỉ là thiếu thời gian mà còn thiếu cả sự chuẩn bị vì quyết định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội, Việt Nam chỉ được ấn định hồi đầu tháng tháng.
Khi biết Việt Nam chỉ có 10 ngày để chuẩn bị Trung tâm Báo chí Quốc tế, nhiều phóng viên quốc tế tỏ ra kinh ngạc. Valentina Shvartsman, phóng viên của tờ Sputnik của Nga, cho biết cô không thể tin được người Việt Nam có thể tạo ra được tất cả mọi thứ như thế này chỉ trong chưa đầy 10 ngày. Mọi sự chuẩn bị của Việt Nam đều rất chu đáo và Shvartsman cùng các đồng nghiệp của cô đều cảm thấy rất hài lòng.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị của Việt Nam có lẽ còn nhiều hơn so với những gì Shvartsman tưởng tượng. Anh Hoàng Minh Chí, Trưởng Trung tâm Viễn thông – Bưu điện CP16 – Cục Bưu điện Trung ương, phụ trách triển khai hạ tầng CNTT phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh, cho biết: "Chúng tôi đã lên các phương án chạy chính, chạy dự phòng tại Trung tâm báo chí. Chỉ đường truyền của một trong 2 nhà mạng cũng đủ đáp ứng yêu cầu của gần 4.000 phóng viên tác nghiệp nhưng chúng tôi vẫn có thêm một nhà mạng để dự phòng trường hợp ngoài dự kiến".
Tham gia công tác triển khai hạ tầng CNTT phục vụ APEC năm 2017, anh Chí cho biết số phóng viên dự APEC 2 năm trước chỉ khoảng 2.500 người trong khi lần này có thể lên tới gần 4.000 người. Đường truyền quốc tế vào khu Trung tâm Báo chí APEC chỉ là 20 Gb/s trong khi đường truyền quốc tế ở đây mạnh gấp đôi là 40 Gb/s. Trong khi đó, APEC có 1 năm để khảo sát, 3 tháng để triển khai thì tại Hà Nội, khối lượng công việc lớn gấp đôi chỉ được hoàn thiện trong chưa đầy 10 ngày.
Một sự lan tỏa mạnh mẽ
Nguyễn Hồng Nhung, Phạm Linh Chi và Đỗ Thanh Hường đều là sinh viên năm 2 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Họ và nhiều nữ sinh khác có mặt tại Trung tâm Báo chí Quốc tế chỉ sau một cuộc gọi lúc buổi sáng của Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Những cô gái trẻ được gửi gắm nhiệm vụ phát sách, đĩa CD và các ấn phẩm về văn hóa Việt Nam cho các phóng viên tới đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội cũng như giải đáp những thắc mắc của họ trong quá trình tác nghiệp.
"Sáng sớm ngày 26/2, em nhận được cuộc điện thoại của Chánh văn phòng đoàn trường. Chị ấy nói rằng chúng em được đi giao nhiệm vụ đi đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump hay gì đó. Đang lơ mơ nên em cũng không nhớ rõ có phải chánh văn phòng đoàn trường nói như vậy hay không nhưng 2 tiếng sau, chúng em có mặt ở Trung tâm Báo chí Quốc tế này", Phạm Linh Chi, cô sinh viên năm 2 quê Nghệ An, hóm hỉnh chia sẻ.
Nguyễn Hồng Nhung cũng đến Trung tâm Báo chí sau một cú điện thoại tương tự. Do nằm trong Ban Chấp hành đoàn của trường nên những hoạt động như thế này không quá lạ lẫm với hai cô gái trẻ. Dù vậy, chưa bao giờ tính chất công việc lại đòi hỏi sự nghiêm túc và khẩn trương như hoạt động lần này.
"Chúng em được phía đoàn trường, rồi các anh chị cán bộ của Bộ Thông tin Truyền thông dặn dò rất kỹ lưỡng khi được giao nhiệm vụ này. Trước đông đảo phóng viên quốc tế, chúng em hiểu rõ đây không chỉ là việc làm giúp đỡ họ tác nghiệp thuận lợi ở Việt Nam mà còn là cách để quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam ra khắp thế giới", Nguyễn Hồng Nhung chia sẻ.
Cũng giống hai bạn cùng khóa, Đỗ Thanh Hường, chủ nhiệm CLB tiếng Anh của khoa, nhận được cuộc gọi khi sự kiện gần như đã bắt đầu. Theo Hường, đây không chỉ là cơ hội tốt để mở mang kiến thức mà còn là một trải nghiệm mà không nhiều bạn trẻ được trải qua. Tâm lý chung của các bạn tham gia sự kiện này là háo hức, vui mừng xen lẫn hồi hộp và lo lắng.
Sự nhiệt tình cùng khả năng ngoại ngữ tốt của các bạn sinh viên trẻ để lại ấn tượng trong lòng các phóng viên quốc tế tới dự sự kiện lần này. Tuy nhiên, để có thể tạo ra công tác đón tiếp, phục vụ chu đáo nhiệt tình với những sinh viên vừa mới tham gia thì những người tổ chức phải có cách đào tạo nhanh rất hiệu quả.
Nhung cho biết, do Trung tâm Báo chí nằm cách rất xa trường, công việc thường kết thúc muộn nên phía Đoàn trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hỗ trợ kinh phí đi lại. Số tiền không quá lớn nhưng sự quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ cho thấy những nỗ lực từ nhiều phía để đảm bảo sự chuẩn bị tốt nhất cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.