Việc Cục Thuế TPHCM vừa ra quyết định truy thu và phạt 4,1 tỷ đồng với một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỷ đồng trên mạng Facebook, Google, YouTube... không kê khai và nộp thuế đang gây chú ý dư luận. Sự quan tâm không chỉ vì nhóm người sản xuất nội dung trên YouTube hay Facebook ngày càng nhiều ở Việt Nam mà còn bởi việc quản lý thuế đối với những trường hợp này cũng chưa bao giờ được nhắc đến.
Theo Cục Thuế TPHCM, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp trong nước nhận được tiền 'khủng' từ các tổ chức nước ngoài nhưng phần lớn không được kê khai thuế hoặc kê khai không đầy đủ. Các nguồn thu ở đây đến từ các hoạt động như viết phần mềm, trò chơi, hoặc các video clip... rất đa dạng.
Nhiều cá nhân nhận được tiền 'khủng' từ các tổ chức nước ngoài nhưng phần lớn "quên" kê khai thuế (Ảnh minh họa: KT)
Thiếu sự phối hợp chặt chẽThông qua rà soát với các ngân hàng, Cục Thuế TP.HCM đã phát hiện những trường hợp này và phát thư mời gần 14.000 chủ tài khoản lên làm việc. Theo tính toán, nếu sàng lọc, truy thu đúng và đủ, ngành Thuế sẽ thu về khoản tiền thuế lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc thu thuế kinh doanh trên mạng tương đối khó, do cơ quan thuế không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động kinh doanh trên các mạng này. Đặc biệt, trong bối cảnh các loại hình kinh doanh qua mạng đang có xu thế bùng nổ nhanh chóng.
“Sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngân hàng cũng như các nhà mạng thời gian qua vẫn chưa chặt chẽ, bài bản. Do không có sự quản lý một cách đầy đủ của phía cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng như sự phối kết hợp giữa các nhà mạng, cơ quan thuế và sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại nên mới xảy ra tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng”, PGS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
PGS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tiến hành thu thuế trước hết phải bắt đầu từ nhà mạng. Nhà mạng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ kết hợp với cơ quan thuế để quản lý các hoạt động kinh doanh, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội. Để từ đó có được cái nhìn tổng thể nhất về các chủ thể kinh doanh qua mạng.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương là đơn vị quản lý đăng ký kinh doanh cũng phải phối hợp với nhà mạng, trên cơ sở đó, cơ quan thuế dựa vào các đăng ký kinh doanh trên mạng xã hội để có thể thường xuyên theo dõi, quản lý các chủ thể này giống như cách thức giám sát đối với chủ thể kinh doanh truyền thống.
“Việc truy thu thuế như vừa qua chỉ là việc cực chẳng đã. Đáng lẽ nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan thì có thể theo dõi được doanh thu, lợi nhuận cũng như khoản thuế phải đóng của các chủ tài khoản này, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”, PGS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Cơ quan chức năng chậm trễ và thiếu trách nhiệm
Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, việc truy thu thuế đang được thực hiện một cách thiếu bài bản và chuyên nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico
“Truy thu thuế toàn để các địa phương tự làm, không có hướng dẫn rõ ràng, như truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với các ca sĩ thời gian trước cũng vậy. Đáng lý ra, việc này phải chỉ đạo từ trên xuống dưới để biết triển khai như thế nào, yêu cầu ra sao, thống nhất cách thức thực hiện, còn hiện nay, chúng ta đang để việc này được thực hiện một cách tự phát”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Cũng theo ông Đức, trong khi các quốc gia trên thế giới đã tiến hành thu thuế những người có doanh thu từ Google và Facebook từ rất lâu thì đến nay Việt Nam mới bắt đầu tiến hành. Điều này thể hiện sự chậm trễ và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế.
“Ở Việt Nam vẫn đang làm theo kiểu tự phát, “mất bò mới lo làm chuồng” trong khi ở nước ngoài họ có những quy định rất rõ về việc thu thuế đối với những tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook”, ông Đức cho biết.
Thực tế, tại Việt Nam, hiện có rất nhiều người nổi tiếng, hot facebooker… thu nhập cao từ các trang mạng xã hội, YouTube. Tuy nhiên, những khoản thu nhập này phần lớn không được kê khai, nộp thuế hoặc nộp thuế không đầy đủ. Nguyên nhân là do cơ chế quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, lúng túng. Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng trước mắt có thể căn cứ theo Luật Quản lý thuế để đề nghị các ngân hàng kiểm tra lại dòng tiền được chuyển về Việt Nam từ các “ông lớn” công nghệ như Google, YouTube hay Facebook. Từ đó, nắm được thông tin các cá nhân, doanh nghiệp nhận thu nhập khủng từ nước ngoài nhưng không kê khai thuế để có giải pháp phù hợp, tăng nguồn thu thuế./.