Lasuco là tên viết tắt của Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn xuất hiện cách đây 35 năm, tại Thanh Hoá, chuyên kinh doanh và sản xuất đường tinh luyện.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng mía giúp mía đường Lam Sơn tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số vùng đạt 120 – 130 tấn/ha.
Những đầu tư về công nghệ đã thay đổi thân phận của một doanh nghiệp đang đứng chân tại Thanh Hoá, một mảnh đất chịu nhiều thiên tai.
Tìm “gậy thần”
Lasuco xây dựng vùng nguyên liệu trên 18.000ha, sản lượng mía hàng năm 1,3 triệu tấn, sản lượng đường tinh luyện chất lượng cao 110.000 – 125.000 tấn, sản lượng mật rỉ 50.000 tấn. Hiện tại Lasuco có hai nhà máy sản xuất đường với công suất thiết kế là 10.500 tấn/ngày.
Ông Lê Văn Tam cho biết, năm 2016, Lasuco đạt hơn 2.500 tỉ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ mía đường đạt 2.000 tỉ đồng, doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp cao khoảng 300 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 120 tỉ đồng, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2015.
Với đặc thù là một doanh nghiệp sản xuất đường từ cây mía, vụ mùa thu hoạch mía bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Với hai nhà máy sản xuất đường được thiết kế với công suất hơn 10.000 tấn đường/ngày, chỉ cần chạy 15 ngày là đã đạt được sản lượng. Nhưng điều đó là không thể, vì có nhiều lý do mà những ai trồng mía, sản xuất đường đều hiểu, đó là thu hoạch, vận chuyển từ nhiều vùng nguyên liệu khác nhau.
Với Lasuco, đó còn là những vùng nguyên liệu cách xa nhau..., khác biệt về địa lý dẫn đến những thay đổi về thời tiết, khí hậu nên “độ chín của chữ đường” trong cây mía cũng có sự khác biệt.
Với Lasuco, giải cùng lúc ba đề bài: quản lý diện tích đất canh tác, quản trị quy trình canh tác cho ra sản phẩm tốt, và thu hoạch vận chuyển sản xuất của một doanh nghiệp trồng mía có đến hàng chục ngàn ha nguyên liệu trên nhiều vùng đất khác nhau không hề dễ dàng. Một chuyên gia thân tín của ông Tam tiết lộ: “Có năm ông Tam thất thoát hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng, vì chưa tìm được lời giải cho ba đề bài trên”.
Hành trình tìm lời giải của ông Tam khá gian nan, nhiều chuyện…, nói ngắn gọn, ông đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, với niềm tin sẽ tháo gỡ những khó khăn cho một doanh nghiệp sản xuất đường từ cây mía với những tồn tại cố hữu.
Sử dụng công nghệ cao
Hệ thống phần mềm quản lý doanh nghiệp (ERP) sẽ nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực của doanh nghiệp, từ con người, tài sản, thiết bị, tài sản, tài chính... Tuy nhiên, để ứng dụng trong nông nghiệp, có liên quan đến đất, ERP có những hạn chế nhất định. Vậy là Lasuco đã sử dụng giải pháp kết hợp ERP trên bản đồ số GIS (hệ thống thông tin địa lý – Geographical Information System). Mối quan hệ này đã giúp Lasuco biết chính xác vị trí đất canh tác, diện tích, tính chất… theo thời gian thực.
Một góc nhà máy và vùng nguyên liệu của Lasuco.
Với hơn 15.000ha nguyên liệu, cách làm cũ của Lasuco là phân chia phân bón và nước tưới theo kiểu “bao cấp định mức”, nghĩa là các thửa đất đều có liều lượng nước và phân bón như nhau. Điều đó đã tạo ra tình trạng “thừa và thiếu” theo nhu cầu của từng khu vực canh tác, tương ứng với tiểu vùng khí tượng đó từ nước cho đến phân bón.
Với cách làm mới từ nhóm chuyên gia về trí tuệ nhân tạo được đào tạo từ nước ngoài, Lasuco đã ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo AI giúp dự báo thời tiết, các dữ liệu về tính chất đất, nước... để phân bổ nguồn nước tưới và bón phân hợp lý. Lasuco áp dụng công nghệ IoT trong việc tích hợp các hệ thống cảm biến trong vùng nguyên liệu trọng điểm khoảng 500ha. Hệ thống AI giúp phân tích quy trình canh tác tối ưu ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác được hệ thống cảm biến giám sát, theo dõi và cảnh báo cho ban kỹ thuật.
Khi bài toán kiểm soát chất lượng và sản lượng sản phẩm đã được giải, khâu cuối cùng là thu hoạch vận chuyển. Trong một năm qua, Lasuco nắm được kế hoạch điều vận trên bản đồ trong thời gian thực (real-time) để điều phối xe không xảy ra tình trạng ùn tắc, đi đúng lộ trình, đúng giờ. Mỗi chiếc xe đã được cài chip để theo dõi lộ trình, cập nhật số xe, số hợp đồng...
Toàn bộ các thông tin này đều cập nhật về hệ thống xử lý của trung tâm điều phối biết được các dự báo, để từ đó có kế hoạch kịp thời. Theo nhóm chuyên gia cố vấn công nghệ cho Lasuco, hiện tên tuổi của những ứng dụng mà họ gọi là “sản phẩm công nghiệp 4.0” đang được áp dụng tại doanh nghiệp mía đường này đã được bảo mật, như là thế mạnh riêng của Lasuco hiện nay.
Theo ông Tam, việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng mía giúp tăng năng suất từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số vùng đạt 120 – 130 tấn/ha. Không chỉ có cây mía, các dự án trồng cây ăn trái, rau củ quả chất lượng cao của Lasuco cũng đang được đầu tư công nghệ cao. Kết quả ban đầu được đánh giá là có hiệu quả.
Bão số 10 gây thiệt hại 4.000ha của Lasuco
Theo lời của một chuyên gia, hậu quả của cơn bão số 10 vào Thanh Hoá đã làm Lasuco đang bị ngập nước 4.000ha mía và vùng sản xuất thử nghiệm các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Coi như Lasuco “chết đứng” diện tích này. Trời hại thì vô phương cứu chữa…
Các đặc trưng, dấu hiệu cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 - Trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong các quá trình điều khiển và ra quyết định mà không cần sự can thiệp của con người. - Các hệ thống tự động tự liên lạc với nhau để thực thi những hoạt động mang tính chất đảm bảo tối ưu kết quả cho toàn bộ hệ thống. - Vật liệu mới, thông minh được sử dụng trong đời sống và công nghiệp. - IoT và Big Data (dữ liệu lớn) kết hợp với điện toán đám mây (cloud computing) và điều khiển qua các ứng dụng (app) trên thiết bị di động. TS Lê Hoài Quốc - khu Công nghệ cao TP.HCM |