Lợi thế sẵn có của các khu công nghiệp lớn trên thế giới
Khu công nghiệp lớn nhất trên thế giới hiện nay được biết đến là thành công nghiệp Jubail của Ả Rập Xê Út. Đây là thành phố lớn nhất khu vực Trung Đông, có công ty hóa dầu lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất khu vực.
Bên cạnh đó, Jubail có dự án nước và điện độc lập (IWPP) lớn nhất thế giới, sản xuất sản xuất 800.000.000 lít nước và 2743,6 megawatt điện mỗi ngày.
Rust Belt (Vành đai Rust), Hoa Kỳ cũng là một cái tên quen thuộc trong ngành công nghiệp trên thế giới. Vành đai này bắt đầu ở vùng trung tâm bang New York, vắt qua các bang phía tây như Pennsylvania, Ohio, Maryland, Indiana và Michigan, kết thúc ở phía bắc Illinois, phía đông Iowa và đông nam Wisconsin.
Vành đai Rust còn được gọi là "Heartland của Bắc Mỹ", là khu vực phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp của Hoa Kỳ. Lý do một phần là vị trí địa lý của khu vực gần với các tuyến đường thủy của vùng Ngũ Đại Hồ.
Nhắc đến khu công nghiệp lớn, không thể không kể đến tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - nơi đã tạo ra tiếng vang lớn nhờ khu công nghiệp Tô Châu khổng lồ. Đây cũng là điển hình của một trong những chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ qua.
Trong 10 năm đầu, khu công nghiệp khổng lồ này đã giúp nền kinh tế của Tô Châu tăng gấp đôi. Trong nửa đầu năm nay, sản lượng của Khu công nghiệp chiếm 14% trong toàn bộ nền kinh tế Tô Châu.
Tác động do đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ Trung đến các khu công nghiệp trên thế giới
Không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng và lợi thế của các quốc gia với các khu công nghiệp khổng lồ. Tuy nhiên, lợi thế lớn đi kèm với rủi ro cao khi đại dịch và căng thẳng thương mại Mỹ Trung đã tác động không hề nhỏ đến các khu công nghiệp lớn trên.
Cụ thể, khu công nghiệp Tô Châu, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn, từ việc tốc độ tăng trưởng bị chững lại đến hệ quả về cuộc di cư sản xuất quy mô lớn của các công ty nước ngoài.
Khu công nghiệp Tô Châu – ngôi nhà của 5.000 doanh nghiệp nước ngoài đã chứng kiến sản lượng xuất khẩu của mình bị giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong 7 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, nhập khẩu đã giảm 15%. Đây là sự sụt giảm đáng kể đối với một khu công nghiệp được xây dựng dành cho ngoại thương.
Năm 2020, đại dịch cũng khiến cho các nhà máy tại khu công nghiệp buộc phải đóng cửa, khiến hoạt động sản xuất trì trệ. Trước đó, Tô Châu được ví như "con gà đẻ trứng vàng" của Trung Quốc.
Vành đai Rust, Hoa Kỳ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Ngay cả trước giai đoạn đại dịch Covid-19, khu vực này đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự bất ổn liên quan đến chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc.
Trước đó, Vàng đai Rust được coi là trung tâm của ngành công nghiệp xuất khẩu tại Hoa Kỳ, đóng góp 26% GDP từ xuất khẩu của quốc gia này. Tuy vậy, tình hình hoạt động sản xuất tại khu công nghiệp này đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục giảm qua từng tháng.
Cơ hội và thách thức đối với các khu công nghiệp ở Việt Nam
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 336 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 97.800 ha. Trong đó, 261 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 khu còn lại đang trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc trong giai đoạn xây dựng. Tỷ lệ lấp đầy đạt 76% trên tổng các khu công nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc.
Mới đây, TP HCM dự kiến cũng sẽ có thêm một khu công nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ cao rộng hơn 166 ha tại quận 9. Trước đó vào năm 2002, thành phố đã thành lập Khu công nghệ cao cũng tại quận 9 với diện tích 913 ha.
Thêm vào đó, vừa qua tập đoàn WHA, Thái Lan đã bày tỏ mong muốn đầu tư 2 dự án về hai khu công nghiệp tại Thanh Hoá.
Dự án thứ nhất là khu công nghiệp công nghệ cao WHA-Thanh Hóa nằm gần Hà Nội, Hải Phòng cùng tuyến đường cao tốc đang dần hình thành tại khu công nghiệp phía Bắc TP Thanh Hóa, quy mô 800 ha.
Dự án thứ hai là khu công nghiệp số 21, quy mô 539 ha, thuộc khu kinh tế Nghi Sơn, nằm gần khu lọc hóa dầu Nghi Sơn, định hướng thu hút các nhóm ngành công nghiệp như nhựa, sợi, cao su, ô tô, sinh hóa,...
Các khu công nghiệp trên thế giới thường được quy hoạch thống nhất (như Vành đai Rust của Hoa Kỳ) hoặc phát triển theo cụm (như Khu công nghiệp Tô Châu, Trung Quốc hay thành phố công nghiệp Jubail, Ả Rập Xê Út). Trong khi đó, các khu công nghiệp của Việt Nam lại rải rác do chưa được giải quyết đồng bộ về cơ sở hạ tầng.
Thêm vào đó, tình trạng các khu công nghiệp chưa được cấp giấy phép hoạt động nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận đầu tư vẫn tồn tại. Điều này khiến hàng loạt doanh nghiệp trong khu công nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất rầm rộ nhưng lại không được hưởng các ưu đãi chính đáng theo quy định.
Cụ thể, hiện có 8 khu công nghiệp ở Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng vẫn chưa có quyết định thành lập. Đây là những thách thức sẽ ảnh hưởng không nhỏ
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của công ty chứng khoán SSI liên quan đến khu công nghiệp, khi đại dịch lắng xuống, nhu cầu về khu công nghiệp tại Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.
Đồng thời, việc quy hoạch các khu công nghiệp mới giai đoạn 2021-2025, cơ sở hạ tầng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Dây - Phan Thiết, Bắc - Nam, cảng Cái Mép Thị Vải, cảng Gemalink dần hoàn thiện sẽ là động lực phát triển cho khu công nghiệp trong tương lai.