Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo của CIEM. Theo ông Dương, bối cảnh kinh tế trong 6 tháng vừa qua không hề dễ dàng hơn so với năm 2020.
Trong nửa đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu phục hồi rõ nét hơn, dù chưa đồng đều giữa các nhóm nền kinh tế. Trong khi các nền kinh tế phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, thì các quốc gia đang phát triển lại phục hồi tương đối chậm. Đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất định vì rủi ro bùng phát các đợt dịch bệnh mới, diễn biến lây lan nhanh các biến thể mới của Covid-19 khiến nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế trở lại. Cùng với đó, một số quốc gia còn đi sau trong việc phổ biến vaccine và tiêm chủng, đi kèm rủi ro nợ và áp lực lạm phát.
Đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, 2 đợt dịch gần đây diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư. Các làn sóng dịch bệnh đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, riêng quý 2 tăng 6,61% so với cùng kỳ. Dù đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, nhưng CIEM cho rằng, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là rất thách thức.
Trước tình hình đó, CIEM đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế:
- Kịch bản lạc quan nhất: Việt Nam có thể kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 8/2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng đạt 6,2%, GDP Việt Nam sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội giao 0,2 điểm phần trăm.
- Kịch bản dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 10/2021, chậm hơn 2 tháng so với kịch bản lạc quan, tăng trưởng của Việt Nam được CIEM dự báo ở mức 5,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Dù tốc độ tăng trưởng dự báo của Việt Nam khá tích cực so với các quốc gia trong khu vực, nhưng CIEM cho rằng, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo. Hệ luỵ từ đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, chi phí logistics tăng tác động đến xuất nhập khẩu hàng hoá… Vì vậy, khả năng kiểm soát dịch bệnh sẽ tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng.