Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (HoSE: CII) vừa công bố BCTC kiểm toán với mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 196 tỷ đồng, giảm 524 tỷ đồng (gần 73%) so với tự lập. Nguyên nhân do Công ty bắt buộc thực hiện một số bút toán điều chỉnh làm giảm doanh thu và tăng chi phí, cụ thể:
Thứ nhất, liên quan đến các khoản doanh thu từ thương vụ mà CII đã ký hợp đồng với các bên liên quan trong năm 2019, đã xác định giá bán, giá vốn nhưng thủ tục hành chính và thanh toán kết thúc ngay ngày đầu năm 2020 và xảy ra trước thời điểm báo cáo kiểm toán được phát hành. CII cho rằng khách hàng đã đặt cọc không hoàn lại, dòng tiền về công ty diễn ra trong năm 2019 nên được ghi nhận trong năm 2019.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán cho rằng doanh thu này phải được hạch toán vào tháng 1/2020 hoặc năm kế tiếp.
Thứ hai, về mặt chi phí, liên quan đến việc mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành cho nhà đầu tư Hàn Quốc (Rhinos Asset Management Co., Ltd – RAM quản lý) có thể phát sinh trong tháng 7/2020, CII quan điểm nghiệp vụ mua lại trái phiếu chưa chắc chắn xảy ra trong tương lại nên tại thời điểm lập báo cáo quý IV không hạch toán khoản thanh toán thêm phái sinh do mua lại. Tuy nhiên, để thận trọng, đơn vị kiểm toán đề nghị CII ghi nhận chi phí năm 2019.
Ngoài ra, lợi nhuận giảm còn do một số nguyên nhân như kiểm toán tính phân bổ thêm chi phí phát hành trái phiếu và tính trước lãi trái phiếu chưa đến hạn, tăng chi phí khấu hao do thay đổi thời gian thu phí cầu đường và trích lập các quỹ dự phòng...
CII cho rằng, để tránh việc đơn vị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ dẫn đến bất lợi cho cổ đông, Công ty chấp nhận điều chỉnh BCTC theo ý kiến kiểm toán.
BCTC 2019 đã kiểm toán của CII.
Mặt khác không chỉ điều chỉnh đáng kể lợi nhuận so với CII tự lập, kiểm toán còn nhấn mạnh khoản phải thu Công ty Đầu tư Tuấn Lộc giá trị 715,4 tỷ đồng bao gồm nợ gốc và lãi. Đây là khoản phải thu theo hợp đồng ký với Tuấn Lộc để góp vốn vào Công ty BOT Trung Lương Mỹ Thuận – doanh nghiệp dự án và đảm bảo bằng chính cổ phần của doanh nghiệp này do CII nắm giữ. Theo thoả thuận, khi dự án hoàn thành, Tuấn Lộc sẽ chính thức chuyển nhượng cổ phần cho Công ty.
Được biết, dự án gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiều năm qua. Tuy nhiên đến ngày 4/12/2019, dự án đã được giải ngân số tiền 1.390 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ thi công và kỳ vọng hoàn thiện vào quý 2/2021, điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối 2020. Với cơ chế hưởng lợi nhuận trên tỷ suất cố định của hợp đồng BOT thì nhà đầu tư sẽ không bị tổn thất giá trị, CII giải trình.
Bên cạnh đó, theo hợp đồng, CII là người nắm giữ quyền, khi dự án hoàn thành thì có quyền yêu cầu và Tuấn Lộc có nghĩa vụ phải chuyển nhượng cổ phần cho CII. Nhìn chung, CII cho rằng Công ty không cần trích lập dự phòng với khoản nợ nói trên, đồng thời cam kết mua lại theo thoả thuận đã ký kết.
Vấn đề nhấn mạnh thứ hai, liên quan đến khoản đền bù 104 tỷ đồng cho vụ cháy chung cư Carina do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Sản xuất Hùng Thanh (công ty con của Công ty NBB).
Vào ngày 9/4/2019, CII đã đạt được quyền kiểm soát NBB với tỷ lệ biểu quyết 50,54%; NBB theo đó chính thức trở thành công ty con của CII. Tại ngày đạt được quyền kiểm soát NBB, do chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra về giá trị thiệt hại thuộc trách nhiệm chủ đầu tư nên Công ty chưa thể xác định được giá trị hợp lý của khoảng công nợ tiềm tàng: điều này là cơ sở cho việc điều chỉnh giá trị hợp lý của tài sản thuần khi hợp nhất công ty NBB.
CII cho biết, đến thời điểm lập báo cáo, CII chưa có cơ sở để ghi nhận dự phòng nghĩa vụ phải trả vì còn chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Ban lãnh đạo CII đánh giá khoản đền bù thiệt hại thuộc trách nhiệm chủ đầu tư (nếu có) sẽ không ảnh hưởng trọng yếu đến BCTC hợp nhất năm 2019.