Trước thềm diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ Thuật TP.HCM (HOSE: CII) đã một số nội dung liên quan đến kế hoạch hoạt động và chỉ tiêu kinh doanh dự kiến trình cổ đông thông qua.
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng và bất động sản tăng trưởng nóng trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Hội đồng quản trị CII đã họp bàn về việc gia tăng tài sản, tái cấu trúc công ty và nâng cao chất lượng lợi nhuận trong tương lai.
Với quy mô đầu tư hiện nay (khoảng 20.000 tỷ đồng), danh mục dự án đầu tư đang triển khai mới (khoảng 20.000 tỷ đồng nữa), dự kiến đến năm 2020, tổng tài sản của CII sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Theo đó, HĐQT cho rằng, thứ nhất, CII cần phải tạm dừng phát triển thêm dự án mới để dồn sức quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án đang triển khai, đưa các dự án về đích đúng tiến độ; thứ 2 là xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm rõ ràng, minh bạch, cập nhật kịp thời các biến động để đảm bảo khả năng thanh toán cho CII.
HĐQT đã giao cho ông Eric Francia (Eric) – Thành viên HĐQT CII, người đại điện vốn của Ayala làm Trưởng ban đổi mới. Theo CII, ông Eric là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Ayala, từng thực hiện việc đổi mới cho một Tập đoàn lớn của Philippines vào 10 năm trước. Ông này cho rằng CII đã phát triển quá nóng trong những năm gần đây và theo lẽ đó, việc đổi mới là tất yếu.
Năm 2018, HĐQT dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu 6.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 1.210 tỷ đồng. Theo kế hoạch này so với năm 2017 là gấp 3 lần về doanh thu nhưng lợi nhuận thuộc về công ty mẹ lại giảm 25% so với cùng kỳ.
HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ dự kiến cổ tức của năm 2018 sẽ được chi trả với tỷ lệ 32%/năm. Từ năm 2019 trở đi, cổ tức sẽ được chi trả như đã từng thực hiện các năm trước đây, dao động ở mức 12% đến 20%/năm.
Điểm đáng chú ý trong đại hội lần này là kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông đã đưa ra trước đó sẽ không được thực thi. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, cổ đông đã thông qua kế hoạch cổ tức 21,5% năm 2017 của HĐQT đề xuất. Tuy nhiên tại ĐHĐCĐ năm nay, CII sẽ trình cổ đông việc không chi trả cổ tức của năm 2017 và giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017 nhằm phục vụ cho hoạt động đầu tư mới.
HĐQT CII viện dẫn rằng năm 2017, việc cùng lúc đầu tư nhiều dự án trọng điểm trong thời gian ngắn đã tạo áp lực rất lớn đến nguồn tài chính của công ty. Ngoài ra, kể từ khi trở thành CII Holdings, lợi nhuận công ty mẹ và lợi nhuận hợp nhất thường có chênh lệch lớn. Các công ty con thường chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức sau khi kết thúc năm tài chính. Do đó, lợi nhuận năm 2017 của các công ty con thường được chi trả về cho công ty mẹ trong năm 2018. Trong khi đó, nguồn chi trả cổ tức của năm 2017 thường dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 của công ty mẹ. Vì vậy, nguồn để chi trả cổ tức của năm 2017 của CII là không đáng kể.
Thực tế, như HĐQT CII đề cập ở trên, việc tăng trưởng nóng trong những năm gần đây đẩy CII vào giai đoạn ‘khát tiền’. Dù báo lãi hàng nghìn tỷ đồng nhưng chủ yếu đến từ các hoạt động tài chính mà chưa có lãi thực từ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, tổng nguồn vốn tăng hơn gấp đôi trong năm 2017 lên mức 20.766 tỷ đồng và nợ phải trả (chủ yếu là nợ vay) cũng tăng 124% và chiếm hơn 63% tổng nguồn vốn sẽ là tạo một sức ép lớn lên dòng tiền của công ty này trong những năm tới.
Trong một cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư diễn ra vào cuối tháng 8/2017, Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết dòng tiền công ty thường xuyên âm do đầu tư nhiều, vay nợ nhiều. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi dòng tiền sẽ dương trở lại. Đồng thời, vị CEO này cũng khẳng định kế hoạch lợi nhuận năm 2018 là thực hiện thật, là "tiền tươi thóc thật".
Dù vậy, CII sẽ làm sao để đạt được kết quả thật như CEO này nói để có thể chi trả cổ tức năm 2018 đúng kế hoạch sẽ là một vấn đề dự kiến sẽ sôi động trong cuộc họp ĐHĐCĐ tới đây khi ‘thất hứa’ việc chi trả cổ tức năm 2017.