Sáng nay ngày 27/3/2020, CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) vẫn tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên giữa cao điểm dịch COVID-19, trong đó chỉ xin ý kiến cổ đông thông qua tờ trình liên quan đến việc chuyển đổi trái phiếu cũng như phát hành thêm cổ phiếu nhằm dự phòng nguồn vốn trả nợ.
Các nội dung còn lại như phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, kế hoạch kinh doanh năm 2020, chọn đơn vị kiểm toán, bổ nhiệm thành viên độc lập và xin phép di dời trụ sở công ty… sẽ tiến hành trình tại ĐHCĐ bất thường được tổ chức vào thời điểm thuận lợi để nhiều cổ đông có thể dự họp trực tiếp hơn.
Theo ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch HĐQT CII: "Nhiều doanh nghiệp hiện nay đều xin tạm hoãn, lùi lịch tổ chức ĐHCĐ nhằm thực hiện theo chủ trương không tổ chức các buổi hội họp, tụ tập đông người trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19.
Bản thân ban lãnh đạo CII cũng lo lắng và trước khi tổ chức ĐHCĐ thì có xin ý kiến của lãnh đạo Tp.HCM. Các giải pháp an toàn cho cổ đông tham dự cũng được công ty rất chú trọng như chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay, khoảng cách ngồi giữa các cổ đông cách xa nhau.
Tuy nhiên, bởi 2 nội dung trên là quan trọng và thời gian thực hiện cũng khá gần; mỗi lần thay đổi vốn điều lệ thì đều phải thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cổ đông, xin giấy phép kinh doanh mới… mất nhiều thời gian nên Công ty phải xin ý kiến cổ đông sớm".
Cần thiết phải thông qua 2 nội dung liên quan đến dòng vốn
Chi tiết, HĐQT trình việc huỷ niêm yết, chuyển đổi trái phiếu CII41401 và thanh toán gốc, lãi trái phiếu khi đáo hạn. Được biết, ngày 24/6/2019 trái phiếu chuyển đổi CII41401 đến kỳ đáo hạn; với 1.374 trái phiếu được chuyển đổi thành 124.879 cổ phiếu CII.
Đồng thời HĐQT CII cũng trình phương án phát hành thêm cổ phiếu để dự phòng nguồn trả nợ cho 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (phương án phát hành trái phiếu đã được HDTQ CII thông qua ngày 3/2/2020).
Cụ thể, CII dự kiến phát hành tối đa 200 triệu cổ phiếu, giá chào bán 10.000 đồng/cp, thấp hơn thị giá CII tại ngày 27/3 hiện đang là 18.600 đồng/cp.
Đối tượng chào bán ưu tiên cổ đông hiện hữu, nếu cổ đông hiện hữu không mua hết, CII sẽ chào bán toàn bộ phần còn lại cho trái chủ với giá bằng với giá bán cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, trái chủ không có nghĩa vụ bắt buộc mua cổ phần trong đợt phát hành này.
Đợt phát hành này sẽ chỉ được thực hiện khi xảy ra sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến nguồn thu hoạt động kinh doanh của công ty không đủ để hoàn thành nghĩa vụ trả nợ trái phiếu. Và 6 tháng trước ngày đến hạn trái phiếu, nếu CII không chứng minh được nguồn trả nợ chắc chắn cho trái chủ hoặc nguồn trả nợ không được trái chủ CII chấp nhận thì phải thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo tờ trình.
CII cho biết, các dự án CII đầu tư đều cần nguồn vốn rất lớn, đặc biệt tại dự án Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận với tổng vốn chủ và vốn vay lên đến 12.000 tỷ đồng. Toàn bộ tiền của CII cũng đang đổ vào đây, do đó Công ty đang cố gắng hết sức để cuối năm nay thông xe kỹ thuật.
Tổng Giám đốc CII: Tự tin thu được 10.000 tỷ trong 3 năm tới, COVID-19 không ảnh hưởng trọng yếu đến Công ty
Chiều ngược lại, liên quan đến nguồn thu: Hiện Quốc lộ 1 nơi có lượt xe đi về miền Tây, và khúc từ Trung Lương về các tỉnh miền Tây thường xuyên tắc nghẽn. Vừa qua, Công ty đã ký được hợp đồng tín dụng 6.686 tỷ đồng và nhận nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương 2.186 tỷ đồng. Đây là tiền đề để dự án thực hiện đúng tiến độ và thu phí từ quý 2/2021.
Ngoài ra, dự án cầu đường như dự án Quốc Lộ 60 (tỉnh Bến Tre) mở rộng đã làm lễ thông xe toàn tuyến. Dự án này cũng ngốn hơn 1.800 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CII, nếu không xảy ra trường hợp bất khả kháng, CII tự tin thu được khoảng 10.000 tỷ đồng trong 3 năm tới, đảm bảo nguồn trả nợ Trái phiếu khi đến hạn. Nguồn thu đến từ các dự án thu phí hiện hữu và các nguồn thu lớn gồm:
+ Dự án xa lộ Hà Nội thu phí từ quý 2/2020;
+ Dự án Trung Lương Mỹ Thuận thu phí từ 2021;
+ Các dự án bất động sản của CTCP Năm Bảy Bảy (NBB) sẽ hoàn thành và thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận;
+ Các dự án bất động sản của CII tại Thủ Thiêm đến giai đoạn thu hồi vốn và lợi nhuận đầu tư.
Liên quan đến dịch bệnh COVID-19 có ảnh hưởng gì đến CII, ông Bình cho biết:
(1) Với mảng thu phí cầu đường, theo số liệu thống kê đến chiều hôm qua (26/3), mảng này không chỉ giảm mà tăng nhanh hơn các năm trước. Nguyên nhân là lượng hàng hoá vận chuyển đường hàng không, đường sắt thì hiện nay phần lớn chuyển sang vận chuyển đường bộ. Nên lưu lượng xe tải (có mệnh giá thu phí cao) lại tăng lên nên tổng doanh số tăng.
(2) Ngành nước thì nhu cầu sử dụng nước tăng nhiều hơn do nhu cầu đảm bo vệ sinh nhiều hơn trong mùa COVID-19.
(3) Mảng thứ 3 là xây lắp, trọng tâm năm nay là hoàn thành xây dựng BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, nên COVID-19 cũng không ảnh hưởng. Chỉ bị ảnh hưởng nhỏ bởi tình hình nhiễm mặn của Đồng Bằng Sông Cửu Long, nên những người trước đây vận chuyển cát thì chuyển sang vận chuyển nước ngọt (bằng đường thuỷ).
(4) Cuối cùng tại bất động sản, CII gần như tất toán các thương vụ trong năm 2019 nên dịch COVID-19 ảnh hưởng không trọng yếu đến hoạt động Công ty. Tuy nhiên, vẫn ảnh hưởng đến công ty con là NBB, nhưng không đáng kể vì NBB đã bán sản phẩm trong 2019 gần hết, giờ chỉ còn xây dựng hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách hàng.
Mặc dù vậy, cổ phiếu CII trên thị trường đang chịu áp lực giảm chung từ thị trường do COVID-19, Công ty cũng vừa lên phương án mua cổ phiếu quỹ ứng phó.