Citigroup vừa thông báo chọn bà Jane Fraser làm CEO tiếp theo, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử 1 ngân hàng lớn trên phố Wall được dẫn dắt bởi 1 người phụ nữ.
Bà Fraser sẽ thay thế ông Mike Corbat – người sẽ nghỉ hưu vào tháng 2 tới sau khi giữ chức CEO được hơn 8 năm. Năm ngoái bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch của Citigroup trong 1 động thái được cho là mở đường lên chức CEO. Đã làm ở Citigroup được 16 năm, bà hiện đang điều hành mảng tiêu dùng, dịch vụ ngân hàng cá nhân dành cho tầng lớp thượng lưu và các hoạt động ở khu vực Mỹ Latinh.
Corbat đã giúp Citigroup thanh lọc cấu trúc và quay trở lại có lãi sau khi ngân hàng này suýt sụp đổ trong khủng hoảng tài chính 2008. Giờ đây nhiệm vụ của Fraser sẽ là cải thiện lợi nhuận – vốn đang ở mức thấp hơn so với đối thủ JPMorgan Chase – và sử dụng mạng lưới toàn cầu của Citigroup trong bối cảnh làn sóng chủ nghĩa dân tộc và các rào cản thương mại đang nổi lên ngày càng rõ nét.
"Chúng ta đã hoàn thành cuộc chuyển đổi từ khủng hoảng tài chính và nổi lên là 1 định chế đơn giản hơn, an toàn hơn và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên luôn luôn có những việc cần phải làm và tôi tin rằng đây là thời điểm thích hợp để người kế nhiệm tôi đứng lên dẫn dắt Citi vượt qua bước phát triển tiếp theo".
Năm nay 53 tuổi, Fraser gia nhập Citigroup từ năm 2004 sau 1 thập kỷ làm việc cho công ty tư vấn McKinsey. Khi bà được thăng chức làm Chủ tịch Citi năm ngoái, bà được coi là ứng viên tiềm năng cho vị trí CEO tại các ngân hàng khác, trong đó có Wells Fargo. Bà sẽ ngay lập tức tham gia vào hội đồng quản trị của Citi và trở thành CEO sau khi Corbat nghỉ hưu.
Dưới thời Corbat, Citigroup đã trở thành 1 tổ chức gọn gàng hơn, chỉ tập trung vào 2 mảng chính là nhóm khách hàng định chế và mảng tiêu dùng. Tuy nhiên, Citi vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cắt giảm chi phí cũng như đạt mục tiêu về lợi nhuận. Cổ phiếu Citi đã tăng 43% trong nhiệm kỳ của Corbat, chưa bằng một nửa đà tăng của chỉ số S&P 500 Financial Index.
Đại dịch Covid-19 có thể được coi là thách thức lớn nhất mà Citigroup phải đối mặt. Trong khi phần lớn nhân viên phải ở trong nhà, Citi còn phải thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho các khách hàng trên khắp thế giới. Ở vị trí là đơn vị phát hành thẻ tín dụng lớn nhất thế giới, Citigroup sẽ sớm nhận thấy làn sóng thất nghiệp trên toàn cầu bắt đầu ảnh hưởng lên hoạt động kinh doanh của mình sau khi các chương trình trợ cấp của chính phủ dần hết hạn.
Fraser đã chỉ đạo bộ phận Bắc Mỹ đối phó với đại dịch, trong đó có kế hoạch đưa các nhân viên trên khắp nước Mỹ quay trở lại văn phòng làm việc.