Tính đến phiên 29/03, thị trường có 25 mã có thị giá trên 100.000 đồng/cp, trong đó HSX có tới 18 đại diện, HNX góp 3 mã và UPCoM có 4 mã.
Danh sách cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng
Thủ lĩnh VCS: Cổ phiếu “chạy” không nghỉ
Từ năm 2014, cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone (HNX: VCS) đã tăng trưởng không ngừng. Năm 2017, thị giá cổ phiếu này đã tăng 143% và tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu 2018.
Tính đến phiên 29/03, VCS đã thiết lập đỉnh mới tại mức giá 262.500 đồng/cp, tăng 4% so với đầu năm, vượt qua SAB và VCF, trở thành cổ phiếu có giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Vừa qua, VCS đã thông báo sẽ phát hành 80 triệu cp cho cổ đông hiện hữu nhằm trả cổ tức với tỷ lệ 1:1 trong năm 2018.
Về hoạt động kinh doanh, Vicostone đặt mục tiêu đạt 5.290 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng trưởng 20% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 1.355 tỷ đồng, tăng 20,4%.
Trong 3 năm gần đây, VCS luôn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao, trung bình lần lượt 33% và 74% mỗi năm.
Xếp thứ hai vẫn là cái tên quen thuộc, SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB). Cổ phiếu SAB kết phiên 29/03 có giá 239.100 đồng/cp, giảm 11% so với đầu năm.
Từ sau khi 53% vốn của SAB được bán cho Công ty TNHH Vietnam Beverage, đơn vị có liên quan đến ThaiBev của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi với giá 320.000 đồng/cp, thị giá của SAB đang có chiều hướng đi xuống.
Về hoạt động kinh doanh, Sabeco đặt mục tiêu cho năm 2018 với tổng doanh thu 35.981 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.806 tỉ đồng, tăng tương ứng 5% và 2% so kế hoạch năm 2017.
Nhân tố đáng chú ý nhất chính là cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không VietJet (HOSE: VJC). Dù chỉ mới lên sàn hơn 1 năm, cổ phiếu này đã bứt phá liên tục vượt qua nhiều ông lớn như CTD, VNM.. để leo lên vị trí thứ 3 về thị giá.
Tính đến phiên ngày 29/03, VJC đang có giá 222.000 đồng/cp, tăng 49% so với đầu năm. Với số liệu ghi nhận tới hiện tại, VJC cũng đã lọt vào top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường Việt Nam với giá trị trên 100.000 tỷ đồng.
Năm 2017, tổng doanh thu thuần của VJC đạt đạt gần 42.258 tỷ đồng, tăng 53,7% so với năm 2016 và vượt 0,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.755 tỷ đồng, tăng 80% và vượt 26% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.527 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.065 đồng.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như PNJ, SCS cũng ghi nhận sức tăng 49% trong 3 tháng qua, lần lượt giữ vị trí thứ 4 và thứ 5 với mức giá 207.000 đồng/cp và 198.000 đồng/cp.
Một số cổ phiếu khác có sức tăng ấn tượng, lọt vào danh sách phải kể tới VIC của CTCP Tập đoàn Vingroup (HOSE:VIC) và MSN của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE:MSN). Hai cổ phiếu này đã tăng trên 160% từ giữa năm 2017 và đang dừng ở mức giá 115.000 đồng/cp (VIC) và 109.500 đồng/cp (MSN).
Hai thành viên mới khác được kết nạp vào CLB là SDI và VCI, hiện đang có giá 105.500 đồng/cp và 107.900 đồng/cp, tăng lần lượt 18% và 28% từ đầu năm.
Nhiều bluechips rớt hạng
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu từng có giá đắt nhất thị trường vào đầu năm là VCF đã “rơi” khỏi top 5 và hiện đang dừng ở mức giá 180.000 đồng/cp.
Năm 2018, VCF đặt mục tiêu doanh thu 3.100 - 3.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty 450 - 500 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu này, công ty dự kiến phát triển ngành hàng cà phê hòa tan với hai sản phẩm chủ lực Vinacafe và Wake-Up; mở rộng ngành nước giải khát dựa trên sản phẩm chủ lực Wake-Up 247.
Cổ phiếu TRA của CTCP Traphaco (HOSE: TRA) cũng rơi vào cảnh giảm giá và mất mốc 100.000 đồng/cp. Tính tại phiên 29/03, cổ phiếu TRA đã giảm 14% so với đầu năm, dừng ở mức 99.400 đồng/cp.
Năm 2018, TRA đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ là 2.100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu 300 tỷ đồng. Như vậy, doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 20% và 25% so với năm trước.
Một số cổ phiếu khác như CTD, TV2, MWG cũng đã có chuỗi giảm giá từ đầu năm (lần lượt mất 35%, 25% và 16% giá trị).