Với nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) được xem là nơi có thương hiệu bánh phồng tôm nức tiếng cả nước. Tại đây, nhiều hộ theo nghề làm bánh phồng tôm truyền thống, hình thành nên một làng nghề phát triển, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều người.
Clip sản xuất bánh phồng tôm tại cơ sở của ông Mai Sáu
Về Hàng Vịnh vào những ngày này, mọi người sẽ cảm nhận không khí rộn ràng, tất bật của làng nghề làm bánh phồng tôm. Tại đây, mỗi hộ là một cơ sở sản xuất, tuy mức độ lớn nhỏ khác nhau, hương vị của bánh cũng khác nhau, nhưng điểm chung là đều mang đậm hương vị đặc trưng của quê hướng xứ sở. Nhờ vậy, bánh phồng tôm Hàng Vịnh được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.
Nhân công tất bật phơi bánh phồng tôm (Ảnh: Chúc Ly).
Nguồn nguyên liệu chủ yếu chế biến bánh phồng tôm gồm tôm đất còn tươi sống, bột và gia vị trộn đều với tỷ lệ phù hợp. Cứ 10kg nguyên liệu sẽ cho ra lò 13kg bánh thành phẩm. Toàn xã Hàng Vịnh hiện có hàng chục hộ theo nghề làm bánh phồng tôm.
Nhiều hộ dân xã Hàng Vịnh có thu nhập ổn định nhờ nghề làm bánh phồng tôm (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Mai Sáu (ấp 2, xã Hàng Vịnh), người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề sản xuất bánh phồng tôm, chia sẻ: Tôi là người đầu tiên tại địa phương sản xuất bánh phồng tôm. Ban đầu đây cũng chưa hẳn là một nghề, chủ yếu làm để biếu tăng người thân trong dịp Tết. Dần dần qua thời gian, người này truyền tay người kia, rồi nhiều người biết đến, nhận thấy đây là một nghề có thể phát triển tốt trong tương lai nên tôi quyết định đầu tư mở rộng sản xuất, bán rộng rãi ra thị trường.
Đến nay, sau hơn 10 năm theo nghề, từ một cơ sở nhỏ, rồi mở rộng quy mô dần, đến năm 2016 ông Sáu đã thành lập công ty chuyên sản xuất bánh phồng tôm tiêu thụ thị trường trong cả nước và thị trường Đài Loan, Hàn Quốc.
Bánh phồng tôm được cán bằng máy (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Sáu cho hay: Khi có điều kiện, khoảng 3 năm nay tôi bắt đầu đầu tư máy móc để thay thế cho cách làm truyền thống. Hiện tại cơ sở sản xuất của tôi đã có hầu hết các loại máy móc phục vụ cho việc làm bánh phồng tôm như: Máy cắt, máy ép, máy trộn bột và nguyên liệu, máy nghiền, máy hấp, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng.
“Chính nhờ sử dụng máy móc thay cho lao động thủ công nên sản lượng bánh phồng cũng tăng từ 1-2 tấn/năm những năm trước, nay tăng lên vài chục tấn/năm ở thị trường trong nước và hơn 200 tấn/năm ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, nhờ máy móc nên việc phối trộn các nguyên liệu nhanh hơn, đều và hòa huyện hơn, từ đó miếng bánh làm ra ngon hơn” - ông Sáu chia sẻ.
Bánh phồng tôm được sản xuất tại cơ sở của ông Mai Sáu (Ảnh: Chúc Ly).
Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, ông Sáu cho rằng: Về cơ bản quy trình làm bánh phồng tôm rất đơn giản. Trước tiên là sơ chế tôm, bỏ tủ đông 24 tiếng, sau đó nghiền tôm, rồi trộn tôm cùng bột và gia vị, kế đến là cán bánh, đem đi hấp, sấy hoặc phơi, cuối cùng là cắt bánh. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có cách phối trộn nguyên liệu và gia vị riêng.
“Nhìn chung miếng bánh phồng tôm làm ra thành phẩm đạt chuẩn phải có màu vàng nhạt, khi chiên sẽ chuyển sang màu hồng nhạt, miếng bánh phồng và xốp nhưng không cứng và mang đậm hương vị của tôm” - ông Sáu bộc bạch.
Bánh phồng tôm Hàng Vịnh nức tiếng cả nước (Ảnh: Chúc Ly).
Hiện công ty của ông Sáu sản xuất 6 loại bánh phồng tôm, với giá bán trung bình là 120.000 đồng/kg. Mỗi năm công ty đạt doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 15%. Ngoài ra, còn tạo việc làm cho khoảng 30 lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Theo nhiều hộ sản xuất bánh phồng tôm tại địa phương, dịp Tết là thời điểm các cơ sở phải tăng sản lượng bánh phồng tôm lên gấp đôi, gấp ba lần để phục vụ cho thị trường. Tuy vậy, giá bánh phồng tôm vẫn được các hộ giữ ổn định chứ không tăng, hơn nữa chất lượng bánh cũng không thay đổi.
Mỗi năm cơ sở của ông Mai Sáu xuất ra thị trường trong nước khoảng 20 tấn và thị trường nước ngoài khoảng 200 tấn bành phồng tôm (Ảnh: Chúc Ly).
Anh Nguyễn Chí Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Vịnh, thông tin: Từ nghề làm bánh phồng tôm đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, nhất là dịp Tết. Địa phương có điều kiện thuận lợi là nguồn nguyên liệu tôm dồi dào, chất lượng cao; cộng thêm các hộ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nên nghề làm bánh phồng tôm phát triển rất tốt.