Bản Cửa Rừng nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Nơi đây có khu rừng đặc dụng Copia rộng hàng nghìn ha, bởi vậy, thảm thực vật ở đây rất phong phú và đa dạng. Là người có hơn chục năm "săn" mật ong rừng, A Tỷ cho hay: Vào tháng 1 Âm lịch khi mùa xuân sang, thảm thực vật bắt đầu đâm chồi nảy lộc, ra hoa, cũng là thời điểm thu hút từng bầy ong rừng kéo về làm tổ. Thời điểm thích hợp để lấy mật ong rừng bắt đầu từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5.
Bắt đầu công đoạn lấy mật ong rừng, A Tỷ dùng mảnh vải che lấy đầu rồi xé một miếng vải đốt tạo khói để đàn ong bớt hung hăng. "Việc tạo khói sẽ xua đuổi bớt đi những con ong đi lao động đang bay về tổ và làm những con ong ở trong tổ bị say khói tránh việc bị ong đốt", A Tỷ bật mí.
Sau khi tạo khói xong, đàn ong có vẻ dễ tính hơn, lúc này A Tỷ dùng chiếc rìu cầm theo khoét rộng cửa dẫn vào tổ ong.
Sau khi "cửa" tổ ong đã được khoét rộng, A Tỷ đưa liền bàn tay ngược lên nơi ong đang làm tổ và lấy ra từng bánh ong vàng rộm để vào xô đã chuẩn bị sẵn trước đó.
"Trong các công đoạn lấy mật, công đoạn gỡ các mảng sáp ong ra khỏi tổ là nguy hiểm nhất, bởi lúc này tổ ong vỡ nên thường bị đốt nhiều nhất" - A Tỷ bảo với giọng thủ thỉ.
Từng bánh ong chứa đầy mật lần lượt được A Tỷ nhẹ nhàng lấy ra khỏi tổ ong.
So với cánh chuyên tìm lấy mật ong rừng, A Tỷ nổi tiếng là người có sức chịu đựng hơn cả. "Bị hàng chục con ong đốt vào người nhưng tôi chỉ thấy ngứa như bị muỗi đốt. Quen rồi, đốt càng nhiều càng thích", A Tỷ nói.
A Tỷ cho biết: "Tôi chỉ lấy các bánh ong có chứa mật. Những bánh sáp có chứa ong non phải để lại để ong tiếp tục phát triển thành đàn mới và tách đàn sau này.
Theo A Tỷ, mật ong sau khi lấy về được thương lái mua với giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg. Vào mùa lấy mật ong rừng, nếu có thời gian đi nhiều, mỗi tháng cũng kiếm được dăm ba triệu.
Sau khi đã lấy hết mật ong, A Tỷ dùng các mảnh gỗ che chắn lại cửa tổ ong và khắc dấu vào đó để bày ong tiếp tục phát triển và tránh việc những người đến sau tiếp tục khai thác tổ ong này.