Clip: Đời sống, sinh hoạt của hàng chục hộ dân ở bản Pú Chứn (xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang gặp muôn vàn khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt.
Như Báo điện tử Dân Việt đã phản ánh trước đó về việc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng đang xảy ra tại bản Pú Chứn, xã Long Hẹ, khiến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây bị đảo lộn.
Để tiết kiệm nước sinh hoạt, bà Giàng Thị Súa phải tái sử dụng nước nhiều lần cho nhiều công việc khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, bà Giàng Thị Súa, bảo: "Các con, các cháu phải vất vả đi hàng chục cây số để chở nước. Bởi vậy, để tiết kiệm nước cho gia đình, một chậu nước đổ ra những người già như chúng tôi phải dùng đi dùng lại nước nhiều lần cho nhiều công việc khác nhau. Với lượng nước ít ỏi đó, sau một ngày đi làm nương về ngứa ngáy khắp người, tôi phải tận dụng cho 3 công việc khác nhau. Đầu tiên rửa tay, rửa mặt, rửa chân và cuối cùng đổ vào nỗi cám để nấu cho lợn ăn.
Từ lấy nước rửa mặt...
Trao đổi với phóng viên Dân Việt về vấn đề này, ông Vàng A Dủa - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hẹ, cho biết: Pú Chứn là bản đặc biệt khó khăn của xã với tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Bản chia thành 3 cụm (cụm I, cụm II, cụm III). Việc người dân sinh sống ở cụm I thiếu nước sinh hoạt xã đã nắm được. Mấy tuần nay, một số hộ xuống lấy nước tại trụ sở xã; một số hộ khác lấy nước tại nhà của những người thân quen ở gần trung tâm xã. Mấy ngày gần đây, bể nước tại trụ sở cũng đã cạn nên người dân chỉ còn cách xuống suối Nặm Nhứ để lấy nước. Vấn đề thiếu nước sinh hoạt là do nắng nóng kéo dài nhiều tháng nay.
....cho đến thứ nước bẩn đen ngòm được trộn với cám...
Vị lãnh đạo UBND xã Long Hẹ cho biết thêm: "Hiện trên địa bàn xã, ngoài cụm I, bản Pú Chứn còn có 5 hộ dân ở bản Pú Chắn và 21 hộ khác tại bản Cán Tỷ A cũng đang gặp khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt. Các hộ dân tại đây đều có chung hoàn cảnh là không có sẵn nguồn nước. Hàng chục năm qua, để có nước sinh hoạt, người dân phải vất vả đào các hố sâu cả mét để tích nước mưa".
Qua thực tế tìm hiểu cho thấy: Bề mặt các hố tích nước được che đậy sơ sài nên tiềm ẩn nguy hiểm cho bà con và gia súc, gia cầm mặc dù từ trước đến giờ cũng chưa có trường hợp người nào bị rơi xuống hố. Còn việc gia súc, gia cầm rơi xuống hố thì đã xảy ra nhiều lần. Việc sử dụng nước trong hố cũng không đảm bảo vệ sinh vì nước mưa chảy từ mọi hướng đổ xuống hố; chuột, rắn, dúi rơi xuống hố chết cũng nhiều. Hộ nào may mắn phát hiện ra thì vớt xác các con vật vứt đi, hộ nào không phát hiện được thì phải chấp nhận dùng nước không đảm bảo vệ sinh.
...đổ cho lợn ăn.
Theo ông Dủa: "Việc người dân thiếu nước sinh hoạt đã xảy ra nhiều năm qua, nhưng so với mọi năm thì năm nay thiếu trầm trọng nhất. Việc thiếu nước sinh hoạt ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Làm gì thì làm, trước tiên phải có nước sinh hoạt đã. Tôi có vào bản được 2 ngày mà không dám xin một gáo nước để rửa mặt vì ánh mắt người dân nhìn mình dùng nước họ xót lắm".
"Chủ nhật tuần trước tôi có lên đấy đám cưới, phải nhờ cả bản xuống suối Nặm Nhứ chở nước về dùng. Do các hộ dân đều ở xa, trước mắt xã cũng chưa có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này. Chúng tôi chỉ biết động viên người dân và tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân xuống lấy nước tại trụ sở xã và một số bản khác" - ông Dủa nói.
Về giải pháp lâu dài, ông Dủa cho hay: "Xã đã có kiến nghị với huyện mở đường giao thông đi vào bản và xây các bể chứa nước mưa cho các hộ dân hoặc hỗ trợ cho mỗi hộ một téc nước để dự trữ trong mùa khô. Bởi, việc đào các hố tích nước mưa rất nguy hiểm và không đảm bảo vệ sinh cho người dân trong quá trình sử dụng.