Ông Nguyễn Văn Hoàn chia sẻ về sáng chế chiếc máy gieo hạt "4 trong 1"
Xuất ngũ trở về quê, ông Nguyễn Văn Hoàn, xã Phú Lâm (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã lựa chọn cây chè để phát triển kinh tế gia đình. Gắn bó với cây chè nhiều năm, ông Hoàn nhận thấy việc sản xuất của bà con gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều công lao động. Xuất phát từ suy nghĩ đó, năm 2010 ông Hoàn đã tự sáng chế ra chiếc máy hút sâu chè. Cũng từ đây, hàng chục chiếc máy khác nhau được lão nông này cho ra đời.
Chiếc máy đầu tiên được ông Hoàn sáng chế ra đó là máy hút sâu chè. Ông Hoàn cho biết, từ khi chuyển sang sản xuất chè sạch, đặc sản ông nhận thấy để cho ra những sản phẩm sạch, người nông dân tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ công việc phải làm thủ công. Trong đó, việc bắt sâu hại trên cây chè bằng tay là công việc tốn nhiều thời gian, công sức nhất nhưng hiệu quả không cao. Từ đó ông đã cho ra đời chiếc máy bắt sâu chè.
Ngoài chế tạo thành công máy hút sâu, ông Hoàn còn chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc nông nghiệp khác như: máy bón phân tra hạt, máy nhổ sắn, máy làm cỏ, máy khoan lỗ trồng cây, máy cấy lúa… trong đó đáng chú ý nhất là cải tiến thành công chiếc máy cắt chè.
Không dừng lại ở đó, năm 2019 “kỹ sư” nông dân Nguyễn Văn Hoàn tiếp tục cho ra đời chiếc máy độc đáo, mà theo ông là chưa từng có. Đó là chiếc máy gieo hạt “4 trong 1”.
Ông Nguyễn Văn Hoàn và chiếc máy gieo hạt “4 trong 1” vô cùng độc đáo. Ảnh: Minh Ngọc
Theo ông Hoàn, trước đây ông cũng đã sáng chế ra chiếc máy gieo hạt này, tuy nhiên máy chỉ có công năng là gieo hạt và hoạt động không có động cơ. Mỗi khi sử dụng thì rất vất vả, phải đẩy bằng tay nên năng suất lao động không cao.
Từ đó, ông Hoàn đã này ra ý tưởng cải tiến chiếc máy gieo hạt không động cơ thành máy gieo hạt có động cơ. Điều thú vị hơn cả, ngoài gieo hạt, chiếc mày có động cơ được ông Hoàn “trang bị” thêm 3 công năng đó là đánh rạch, lấp rạch và bón phân.
Để sáng chế ra chiếc máy gieo hạt “4 trong 1” này, ông Hoàn mất khoảng 6 tháng, trải qua quá trình thử nghiệm nhiều lần trên đồng ruộng, có điểm nào chưa phù hợp ông lại phải tháo ra toàn bộ để hoàn thiện. “Qua hàng chục lần thử nghiệm trên đồng ruộng, cuối cùng cũng sáng chế thành công chiếc máy gieo hạt có động cơ” - ông Hoàn bộc bạch.
Cũng theo ông Hoàn, nhiều nông dân sau khi sử dụng chiếc máy gieo hạt có động cơ do ông sáng chế ra, họ đều đánh giá cao bởi thiết kế đơn giản, dễ sử dụng, giảm được nhiều công lao động và hiệu quả lại rất cao.