Niall Ferguson, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Hoover, Đại học Stanford, cho rằng những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính là giai đoạn đầu của một cuộc chiến tranh lạnh thứ 2. Chia sẻ tại Diễn đàn Ambrosetti ở Italy, ông Ferguson nhấn mạnh những chính sách của Tổng thống Trump đã bị đẩy lên đến điểm "không thể ngăn chặn những thiệt hại lâu dài trong mối quan hệ Mỹ - Trung".
Theo ông Ferguson, căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn gói gọn trong vấn đề thương mại. Thay vào đó, nó đã trở thành một cuộc tranh chấp nhiều mặt, liên quan đến các vấn đề công nghệ và địa chính trị.
"Tin tốt là tôi không nghĩ họ sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh nóng ở Biển Đông hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ đó sẽ là một cuộc Chiến tranh Lạnh", ông Ferguson nhấn mạnh.
Cũng theo nhà nghiên cứu cấp cao của Đại học Stanford, những vấn đề hiện tại đã nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Trump, người muốn có một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ngay kể cả sau cuộc bầu cử năm tới, ông chủ Nhà Trắng cũng không thể khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc mà không có bất cứ hậu quả nào.
Theo đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đi quá xa. Hai nền kinh tế liên tục gia tăng các biện pháp đánh thuế khiến thị trường tài chính bị vùi dập, kinh doanh sa sút cũng như tổn hại nghiêm trọng tới tâm lý người tiêu dùng. Cuộc đàm phán thương mại đầu tháng 10 có lẽ chỉ giúp những lo lắng hạ nhiệt thêm một chút.
Cuộc đàm phán được nối lại sau những gián đoạn làm tăng hy vọng rằng hai gã khổng lồ kinh tế có thể sớm đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại.