Ngày 16/3 theo giờ Hà Nội, FED tuyên bố hạ 1% lãi suất cơ bản, khiến lãi suất của Mỹ chỉ từ 0-0,25%. Bên cạnh đó, FED cũng cam kết mua vào 700 tỷ USD trái phiếu. Đây là động thái được FED mô tả là để đối phó với việc virus corona gây hại cho cộng đồng và làm gián đoạn kinh tế ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Tuy nhiên, với thị trường tài chính, những gì FED làm dường như vẫn không thể lấn át được tâm lý bi quan. Chứng khoán tương lai của Mỹ đều sụt giảm hơn 5%, mức giới hạn của thị trường.
Lý giải cho việc chứng khoán tương lai của Mỹ lao dốc sau quyết định của FED, Daniel Gerard, chiến lược gia thị trường cấp cao tại State Street Global Markets, cho rằng: "Đây không phải một sự kích thích. Đây là hành động ngăn khủng hoảng leo thang. FED làm mạnh tay để ngăn chặn khủng hoảng. Đó mới là mục tiêu của họ".
Tuy nhiên, FED không phải ngân hàng trung ương duy nhất chọn cách hạ lãi suất để hạn chế tới mức tối thiểu tác động của virus corona với nền kinh tế. Trong một thông báo hôm 13/3, Ngân hàng Trung ương Na Uy đã bất ngờ cắt giảm lãi suất từ 1,5% xuống còn 1%. Họ đang nỗ lực chống lại tác động kinh tế của đại dịch Covid-19.
Trong tuyên bố chính thức, Ngân hàng Trung ương Na Uy cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường và sẵn sàng cắt giảm thêm lãi suất nếu cần thiết. Cuộc họp về chính sách tiền tệ tiếp theo của cơ quan này dự kiến diễn ra ngày 19/3 tới.
Bên cạnh đó, Norges Bank cũng cam kết tài trợ cho các ngân hàng trong việc chống lại những biến động trên thị trường tài chính những tuần gần đây. Những khoản vay ngắn hạn trong 3 tháng cũng được cung cấp cho các ngân hàng.
Động thái của Ngân hàng Trung ương Na Uy được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố cắt giảm lãi suất 2 ngày trước đó. Một tuần trước đó, FED lần đầu tiên khiến thị trường bất ngờ thông qua việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp để đối phó với tác động của dịch bệnh.
Tuy nhiên, Ngâ hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại không chọn cách cắt giảm lãi suất. Thay vào đó, họ công bố một gói kích thích nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh. Lãi suất của ECB hiện tại đang ở mức -0,5% và các nhà phân tích nói rằng các công cụ của ECB sẽ bị hạn chế hiệu quả do đang có lãi suất âm.
Ở thời điểm hiện tại, sự không chắc chắn đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu. Việc dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát ở Trung Quốc nhưng lây lan mạnh ở các nước châu Á, châu Âu và châu Mỹ buộc WHO phải tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Nhiều người lo sợ kinh tế sẽ suy thoái khi dịch bệnh, cuộc chiến giá dầu và chiến trạnh thương mại tạo ra áp lực chồng áp lực.