Mối đe dọa từ sự leo thang xung đột thương mại toàn cầu đang gây sức ép với những nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Singapore và Malaysia. Indonesia và Philippines gặp khó khăn vì nợ nước ngoài nhiều, đồng nội tệ lại chịu áp lực vì USD tăng giá.
Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế nhờ vị trí địa lý giáp Trung Quốc. Đối mặt với nguy cơ chi phí tăng do chính sách thuế của Mỹ, các nhà sản xuất Trung Quốc đang dần chuyển sản xuất từ trong nước sang những khu vực khác ở châu Á có chi phí rẻ hơn như Việt Nam, Bangladesh. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan cũng đã đầu tư vào Việt Nam.
Kinh tế nhiều quốc gia trong ASEAN đã mạnh hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990. Tuy vậy, những diễn biến gần đây tại các thị trường mới nổi cùng căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn làm dấy lên câu hỏi quốc gia nào sẽ bị tác động mạnh nhất, rủi ro tại khu vực ra sao và cách tốt nhất để ngăn dòng vốn thoát ra ngoài, đồng tiền suy yếu.
Ảnh minh họa: Asia News Network
Giới lập chính sách và các lãnh đạo doanh nghiệp đang tập trung tại Hà Nội dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN nhằm tìm cách giảm thiếu thứ các chiến lược gia Mizuho gọi là “khẩu súng hai nòng của Mỹ” – Fed thắt chặt chính sách tiền tệ và Tổng thống Mỹ Donald Trump “tăng nguy cơ chiến tranh thương mại”.
“Thứ chúng tôi đang xem xét là dấu hiệu về sự phân hóa giữa các thị trường mới nổi (EM) trong khu vực”, Dwyfor Evans, đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á – Thái Bình Dương tại State Street Global Markets, nói.
“Nếu Mỹ không thể bù đắp việc giảm nhập khẩu từ Trung Quốc bằng cách đưa sản xuất trở lại Mỹ, lực cầu mạnh ở Mỹ sẽ cần được đáp ứng bằng nguồn cung khác thay thế”, theo Evans. “Tôi không nhập đồ chơi từ Trung Quốc. Thay vào đó, tôi sẽ nhập đồ chơi từ Việt Nam. Do đó, các cuộc chiến thương mại và chủ nghĩa bảo hộ cuối cùng lại là điều tích cực cho Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài
Việt Nam tiếp nhận khoảng 11,25 tỷ USD dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 8 tháng đầu năm, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, dòng vốn FDI vào Việt Nam là 17,5 tỷ USD.
“Rất nhiều công ty đang tái phân bổ”, Robert Subbaraman, đứng đầu bộ phận EM tại Nomura, nói ngày 10/9. “Dòng vốn FDI chạy vào rất mạnh, giúp Việt Nam cân bằng thanh toán tốt hơn”.
Dù các yếu tố cơ bản “khá tốt”, Subbaraman cho rằng Việt Nam vẫn cần thận trọng trong lĩnh vực tài chính. Các nhà lập chính sách cần đảm bảo thâm hụt ngân sách không quá lớn và kinh tế không quá nóng. “Điều đó thường xảy ra khi tiếp nhận dòng vốn mạnh cùng nhiều công ty”.
Michael Langford, giám đốc công ty tham vấn Airguide, cho biết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung “sẽ khiến Việt Nam và Trung Quốc thắt chặt quan hệ”. “Nhiều công ty Trung Quốc đã có nhà máy tại Việt Nam, từ sản xuất pin đến đồ may mặc, nội thất”.
“Rủi ro đi kèm với tăng trưởng đang gia tăng do chủ nghĩa bảo hộ Mỹ khiến các động lực chính của xuất khẩu có nguy cơ gián đoạn”, Vishnu Varathan, Mizuho, viết trong nghiên cứu kinh tế khu vực hàng quý công bố hôm 7/8.
Các quốc gia thành viênHiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó có Việt Nam. Ảnh: Nikkei
Việt Nam vẫn là quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại với tỷ lệ thương mại/GDP khoảng 200% và “đang tăng”, theo nhà kinh tế Chidu Narayanan, Standard Chartered Bank.
FDI được dự báo vẫn cao trong năm 2018, lĩnh vực sản xuất chiếm tới 50%, Narayanan cho biết trong nghiên cứu cuối tháng 6. Standard Chartered ước tính vốn FDI đăng ký và thực hiện trong năm 2018 là gần 15 tỷ USD, giảm so với 21 tỷ USD năm 2017.
“Việt Nam hưởng lợi từ việc tham gia vào các thỏa thuận thương mại khu vực, dân số trẻ và có trình độ, lực lượng lao động vẫn rẻ và đang phát triển, vị trí địa lý gần Trung Quốc”, ông nói. “Các yếu tố này sẽ tiếp tục giúp thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ từ nước ngoài trong những năm tới”.