Chia sẻ với CNN, Will Murrell hy vọng sẽ vượt qua kỳ thi giáo dục nghề sau phổ thông (further education) vào mùa hè này tại một trường cao đẳng ở London. Will đang muốn tìm việc làm thêm, có thể là một vị trí trong cửa hàng bán lẻ hoặc siêu thị. Sau đó Covid-19 bùng phát. Giờ đây, cậu sinh viên 17 tuổi phải ở nhà với bố mẹ, còn kỳ thi đã bị hủy bỏ và mọi kế hoạch của Will cũng bị trì hoãn.
Will là một người thuộc thế hệ Z (sinh sau năm 1997). Đây là nhóm tuổi nhỏ nhất trong số những người mới tốt nghiệp và bước vào thị trường lao động – đang chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19. Hiện tại, "nạn nhân" của Covid-19 không phải người già, mà là thế hệ Z, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Nhóm tuổi này sẽ phải gánh chịu sự bất ổn về tài chính.
Theo Pew Research Center và the Resolution Foundation, người lao động thuộc thế hệ này có xu hướng phải làm việc trong một nền kinh tế bị tác động bởi các biện pháp cách ly xã hội nhiều hơn các thế hệ trước. Triển vọng tương lai của thế hệ Z cũng ảm đạm: phân tích của Resolution Foundation cho thấy rằng tình trạng sa thải do ảnh hưởng của đại dịch có thể ảnh hưởng đến tiền lương và triển vọng công việc của người trẻ về dài hạn.
Hiện tại, thế giới vẫn đang ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1930, khi những biện pháp phong toả, giãn cách xã hội, sản lượng thiếu hụt đã "châm ngòi" cho suy thoái toàn cầu.
Tác động của tình trạng thất nghiệp trong 1 cuộc suy thoái là đặc biệt nghiêm trọng với những sinh viên mới tốt nghiệp. Cơ hội thực tập và việc làm giảm bớt sẽ là những gì người trẻ phải đối mặt, đặc biệt là trong các ngành như khách sạn, du lịch và bán lẻ - vốn cung cấp một lượng lớn việc làm cho nền kinh tế.
Bản báo cáo của Pew Research Center và the Resolution Foundation cho hay: "Bản chất chưa từng có của cuộc khủng hoảng hiện tại đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo đầu tiên về tỷ lệ thất nghiệp đối với những cử nhân của năm nay. Và cho đến nay vẫn chưa rõ khi nào và ở mức độ nào, các ngành trên mới hồi phục."
Cuộc khủng hoảng để lại những "vết sẹo" lâu lành
Tại Anh, do tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, cơ hội được tuyển dụng đối với những sinh viên tốt nghiệp trong năm nay sẽ thấp hơn 13% trong 3 năm tới, so với kịch bản đại dịch không diễn ra. Báo cáo này dự đoán, những người có trình độ trung cấp có tỷ lệ được tuyển dụng thấp hơn 27% trong 3 năm, còn những người "tay nghề thấp" tốt nghiệp trong năm nay là thấp hơn 37%.
Mỹ cũng chứng kiến "câu chuyện tương tự", khi những lao động dưới 24 tuổi đã chịu ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải do đại dịch Covid-19, theo Richard Fry – nghiên cứu cấp cao tại Pew Center. Nền kinh tế tạm thời đóng cửa đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nước này tăng vọt, mất tới 20,5 triệu việc làm trong tháng 4. Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 tăng mạnh đối với nhóm lao động chính, trong khi con số của nhóm thanh thiếu nên 16-19 tuổi là cao nhất, ở mức 31,9%.
Nhóm lao động chịu rủi ro sa thải lớn nhất thuộc các ngành bán lẻ, nhà hàng, khách sạn và trông trẻ. Nhìn chung, người trẻ chiếm 24% lao động trong các ngành chịu rủi ro lớn từ việc phong tỏa do đại dịch, theo Pew Research Center.
Dẫu vậy, Fry cho biết thế hệ Z vẫn có một số lý do để lạc quan hơn. Ông nói rằng nhóm người trẻ có thời gian để hồi phục từ ảnh hưởng của đại dịch, đặc biệt là so với thế hệ Y. Trong khi đó, nghiên cứu từ Resolution Foundation lại cho thấy rằng nhóm sinh viên tốt nghiệp trong đại dịch sẽ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tăng và mức lương kém hấp dẫn trong nhiều năm.
"Cơn gió ngược" thứ 2 đối với thế hệ Y
Dù cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng lớn triển vọng việc làm và quá trình giáo dục của thế hệ Z, thì nó cũng là một "cú đánh" mạnh đối với thế hệ Y (sinh ra từ năm 1981-1996). Nhóm này đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự hồi phục chậm chạp của nền kinh tế sau đó.
Theo nghiên cứu của Uỷ ban Dự trữ Liên bang Mỹ, năm 2014, chủ hộ gia đình thuộc thế hệ Y là nam có thu nhập thấp hơn thế hệ "baby boomer" tới 10% vào năm 1978. Trong khi nữ thuộc thế hệ này có thu nhập cao hơn "baby boomer" nhưng vẫn kiếm được ít hơn 3% so với thế hệ X trong năm 1998.
Trong khi đó, các nhóm này cũng có ít khoản tiết kiệm để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn sắp tới. Từ năm 2014-2016, 52% người Anh ở độ tuổi 22-29 không có tiền để dành trong tài khoản tiết kiệm, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia. Tại Mỹ, 27% người thuộc thế hệ này không có tiền tiết kiệm, báo cáo công bố tháng 1 của Bank of America cho thấy. Trong khi đó, gần 1/4 người thuộc độ tuổi 24-41 đã có khoản tiết kiệm hơn 100.000 USD.
Không giống như thế hệ Z, thế hệ Y không tốt nghiệp trong cuộc suy thoái toàn cầu có thể là tồi tệ nhất từ những năm 1930. Dẫu vậy, yếu tố này cũng không thể an ủi một thế hệ ở Mỹ đang dần trở thành thế hệ đầu tiên không tích lũy được nhiều của cải hơn cha mẹ.
"Giấc mơ làm giàu" có lẽ được thế hệ "baby boomer" thực hiện tốt nhất, bởi họ vẫn là nhóm giàu có nhất tại Mỹ và Anh. Dẫu vậy, điều này dường như lại không thể thay đổi trong thời gian sớm, khi cả thế hệ Y và thế hệ Z đều phải đối mặt với tương lai ảm đạm.
Tham khảo CNN