Trên thị trường quốc tế, giá vàng đã tăng hơn 2% vào phiên 24/2, đạt đỉnh kể từ tháng 2/2013 do lo ngại về dịch Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế thế giới và thúc đẩy nhu cầu tìm tài sản an toàn trú ẩn.
Giá vàng giao ngay đã có lúc tăng lên mức 1.678,58 USD/ounce trong phiên 24/2, trong khi giá vàng trên thị trường kỳ hạn Mỹ tăng 1% lên 1.664,6 USD/ounce.
Việc số nạn nhân nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Hàn Quốc cùng nhiều quốc gia khác đã khiến các nhà đầu tư trên thế giới lo sợ. Thậm chí Tổ chức y tế thế giới (WHO) còn tỏ ra lo ngại khi ngày càng nhiều vụ lây nhiễm diễn ra dù không có liên quan rõ ràng đến tâm dịch ở Trung Quốc.
Ngoài vàng, hàng loạt đồng tiền mạnh như đồng USD cũng tăng giá mạnh. Đồng bạc xanh đã đạt mức đỉnh cao nhất 3 năm qua vào tuần trước rồi giảm nhẹ sau những số liệu kinh tế thấp hơn kỳ vọng được công bố vào ngày 21/2.
Kể từ đầu năm đến nay, giá vàng thỏi trên thế giới đã tăng 7% do lo ngại của việc bùng phát dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, dù Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ giữ nguyên lãi suất trong vài tháng tới nhưng các nhà đầu tư kỳ vọng họ sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2020 để giữ tăng trưởng kinh tế. Việc lãi suất giảm sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang vàng, kênh tài sản an toàn hơn dù không có lãi suất.
Thậm chí, một số chuyên gia dự đoán giá vàng có thể đạt 2.000 USD/ounce trong năm nay trước những diễn biến phức tạp của tình hình Covid-19. Chuyên gia phân tích Fawad Razaqzada của City Index nhận định việc chính phủ các nước nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến nhà đầu tư đổ xô vào vàng. Những biến động của tình hình dịch Covid-19 cùng với sự đình trệ kinh tế sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.
Theo Fawad, giá vàng đã từng đạt đỉnh vào năm 2011 với 1.920 USD/ounce và anh tin rằng năm nay giá kim loại quý này có thể vượt đỉnh 2.000 USD/ounce. Thời điểm đó, Châu Âu đang gặp rắc rối với khủng hoảng nợ công và nhà đầu tư cũng tìm kiếm những kênh tài sản an toàn.
Đồng quan điểm, chuyên gia Askash Doshi của Citigroup cũng cho rằng giá vàng có thể vượt 2.000 USD/ounce trong vài năm tới.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt kim loại quý khác như bạc, Platinum cũng tăng giá mạnh trong khi thị trường chứng khoán Mỹ lại có phiên điều chỉnh giảm.
"Có quá nhiều rủi ro hiện nay trên thị trường chứng khoán và việc nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể lan ra toàn thế giới", CEO David Beahm của Blanchard & Company lo lắng nói.
Chính phủ cũng đang gom vàng
Trên thực tế, giá vàng đã tăng kể từ trước dịch Covid-19 rất lâu do những động thái từ FED. Việc hạ lãi suất 3 lần trong năm 2019 khiến đồng USD giảm giá trong khi thị trường vàng quốc tế lại giao dịch chủ yếu bằng đồng tiền này. Hệ quả là giá vàng phải tăng cho tương xứng với giá trị thực.
Thêm nữa, các đồng tiền mạnh như USD mất giá khiến nhà đầu tư bị thu hút với vàng hơn, nhất là khi hàng loạt nền kinh tế như Châu Âu hay Nhật Bản đang áp dụng chính sách lãi suất âm.
"Việc tăng giá 5-10% của vàng và cổ phiếu liên quan đến vàng là dễ hiểu. Đây là một sự khởi đầu cho cơn bùng nổ của vàng", Giám đốc Ralph Aldis của US Global Investors nhận định.
Không riêng gì các nhà đầu tư, số liệu của Hội đồng vàng quốc tế (WGC) cho thấy các ngân hàng trung ương thế giới đã tăng mua vàng 12% trong 3 quý đầu của năm 2019 so với cùng kỳ năm trước đó. Họ đã mua ròng khoảng 547,5 tấn vàng.
"Năm nay có thể là một năm tăng trưởng 2 con số nữa của vàng. Nó có thể đạt mức giá kỷ lục chưa từng có và vượt đỉnh 2.000 USD/ounce. Thậm chí nếu không phải trong năm nay thì cũng sẽ là trong tương lai gần", CEO Beahm nhận định.