Theo hãng tin CNN, số lượng các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực tại siêu thị sẽ không thể bằng được so với thời trước đại dịch bất chấp việc nền kinh tế đã mở cửa trở lại. Bởi vậy, mùa đông năm nay có lẽ sẽ ảm đạm hơn mọi năm.
Tại Mỹ, hàng loạt các thương hiệu thực phẩm cho biết họ không đủ hàng dự trữ do nhiều yếu tố, từ thiếu lao động, nguyên vật liệu cho đến đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp nói với hãng tin CNN rằng họ phải từ bỏ các chương trình giảm giá để tránh việc bị bán quá nhanh không đủ hàng cung ứng.
Điều này đồng nghĩa với việc kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới này sẽ không được trọn vẹn với người Mỹ khi các kệ hàng trên siêu thị khả năng sẽ hết hàng sớm.
Chủ tịch Steve Howard của chuỗi bán lẻ thực phẩm Bristol Farms cho biết việc thiếu hàng vào những tháng cuối năm, đúng dịp lễ là một thử thách to lớn với ngành bán lẻ hiện nay. Rất nhiều nhà cung ứng đã cảnh báo việc thiếu hàng trong mùa đông này và khả năng tăng giá là có thể xảy ra khi các nhà bán lẻ tranh nhau tìm nguồn hàng cho dịp lễ cuối năm.
Đồng quan điểm, giám đốc bán hàng Steve Schwartz của chuỗi bán lẻ Morton Williams cho biết sự giới hạn nguồn cung hàng đã khiến các doanh nghiệp phải tìm đến cả những nhà phân phối thứ cấp với giá đắt đỏ hơn để nhập đồ về bán.
"Tình hình bây giờ không thực sự hoàn hảo đâu", giám đốc Schwartz nhấn mạnh.
Theo CNN, dù việc khan hiếm hàng hiện nay không bằng đợt khủng hoảng đầu mùa dịch khi người dân đổ xô mua đồ, nhưng việc chuỗi cung ứng đứt gãy khiến họ không thể đảm bảo được hàng hóa đầy đủ trong mùa đông này. Thậm chí một số chuỗi bán lẻ lớn như Costco hay Sam’s Club đã phải ban hành quy định giới hạn số lượng mua hàng cho một số sản phẩm gần đây vì không đủ nguồn cung.
Thống kê của IRI cho thấy tại Mỹ, khoảng 18% sản phẩm đồ uống, 15% sản phẩm đông lạnh, 16% đồ ăn vặt, 15% kẹo và 18% các loại bánh đã hết hàng tại các siêu thị tính đến cuối ngày 3/10/2021. Xin được nhắc là những mặt hàng này không thể bổ sung đầy đủ trong thời gian ngắn và có khả năng sẽ phải đợi vài tháng mới có hàng lại, trong khi những mặt hàng khác cũng đang hết nhanh vì dịp lễ cuối năm cùng mùa đông sắp tới.
Nhiều siêu thị phải giới hạn số lượng mua một số mặt hàng do thiếu nguồn cung. Nguồn ảnh: KPTV
Tồi tệ hơn, Chủ tịch Krishnakumar Davery của IRI cho biết các nhà cung ứng sẽ từ bỏ một số mặt hàng để tập trung sản xuất những sản phẩm bán chạy nhất do nguyên liệu và lao động có hạn, qua đó khiến nhiều mặt hàng khan hiếm hơn. Thậm chí nhiều nhà cung ứng còn từ bỏ sản xuất những mặt hàng có chi phí đắt đỏ nhằm tiết kiệm đầu vào.
Thời kỳ mới
Hãng tin CNN cho biết một số nhà cung ứng đang phải thực hiện phân bổ sản phẩm và giới hạn số lượng mua trên toàn quốc, điều hiếm khi xảy ra tại Mỹ.
Chuỗi kinh doanh thực phẩm Kellogg trả lời hãng tin CNN rằng họ đã phải điều phối lại một số mặt hàng như xúc xích hay thịt hun khói bởi chúng không đủ nguồn cung cho thị trường từ nay đến cuối năm. Hãng cũng đã phải yêu cầu các cửa hàng từ bỏ những chương trình giảm giá cho vài mặt hàng nhằm đảm bảo số lượng cho đến kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Tương tự, tập đoàn sản xuất đồ ăn vật Mondelez cũng nói với CNN rằng một số mặt hàng của họ đang khan hiếm do đứt gãy chuỗi cung ứng và phải đến tháng 3/2022 mới có khả năng hồi phục lại sản xuất.
Người phát ngôn của Mondelez cho biết công ty cũng đang gặp tình trạng thiếu lao động trầm trọng và buộc phải giới hạn cung ứng, tuy nhiên không cho biết rõ những mặt hàng nào và số lượng giới hạn là bao nhiêu.
Thậm chí ngay cả những tên tuổi lớn như Unilever cũng gặp khó khăn khi không đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường cho một số sản phẩm và buộc phải chuyển bớt lao động sang các dây chuyền khác bán chạy hơn.
"Cũng tương tự như nhiều ngành khác, chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức đảm bảo nguồn cung cho các cửa hàng do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng", người phát ngôn của Unilever nói với hãng tin CNN.
Nguồn ảnh: Nature
Với nhiều sản phẩm, đôi khi chính nguyên nhân thiếu bao bì lại là lý do khiến chúng khan hàng. Hãng sản xuất thực phẩm McCormick cho biết việc thiếu nguồn đóng chai tại Mỹ đã khiến một số dòng sản phẩm đồ uống của họ không thể xuất xưởng.
"Việc thiếu chai thủy tinh ảnh hưởng đến sản lượng của chúng tôi cũng như đe dọa đến khả năng cung ứng của toàn chuỗi", đại diện McCormick nói với CNN.
Hệ quả là McCormick cho biết chỉ có thể đảm bảo 70% hợp đồng giao hàng và đang khuyến khích các chuỗi bán lẻ không nên khuyến mãi những sản phẩm đang khan hiếm bất chấp thời điểm cuối năm là mùa kích thích mua sắm.
"Giới hạn hoặc phải điều phối nguồn cung đang là ‘thời kỳ mới’ (New Norm) trên thị trường thực phẩm hiện nay", CEO Chieh Huang của hãng bán lẻ trực tuyến Boxed thừa nhận.
*Nguồn: CNN, CNBC