Chỉ 5 năm trước, Anglo American Plc còn đang đứng trước bờ vực. Là gã khổng lồ trong ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên và bị ảnh hưởng nặng nề khi giá hàng hóa lao dốc mạnh, công ty đã phải hủy bỏ trả cổ tức, liên tiếp thông báo kế hoạch đóng cửa các mỏ và cắt giảm hàng nghìn nhân viên. Giá trị vốn hóa giảm xuống dưới 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, CEO Mark Cutifani cảm thấy như đang sống trong 1 thế giới khác. Được hậu thuẫn bởi giá quặng sắt và nhiều loại hàng hóa khác tăng vọt, ông thông báo Anglo American đạt lợi nhuận kỷ lục trong 6 tháng đầu năm 2021, chi hàng tỷ USD để trả cổ tức. Bất kỳ ai đặt cược vào cổ phiếu Anglo khi nó chạm đáy giờ đã lãi 14 lần. Giá trị vốn hóa của công ty tăng vọt lên mức 55 tỷ USD.
"Giá hàng hóa tăng là điều rất quan trọng với chúng ta", Cutifani phát biểu trước các nhà đầu tư. "Chúng tôi cũng không nghĩ tình hình lại tốt đến vậy".
Có rất nhiều công ty như Anglo American. Với giá các nguyên liệu thô tăng mạnh, cả ngành này đang cho cổ đông "tắm trong cổ tức" và mạnh tay mua lại cổ phiếu quỹ. Các công ty khai khoáng sản, thăm dò và khai thác dầu khí, các công ty giao dịch hàng hóa, nhà sản xuất thép và cả những người nông dân kiếm được hàng tỷ USD "từ trên trời rơi xuống".
Vốn bị các nhà đầu tư đánh giá thấp vì gây tác động tiêu cực đến môi trường và có tiếng là tiêu xài hoang phí cho những siêu dự án, ngành này lại một lần nữa trở thành "cỗ máy in tiền vĩ đại".
Kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh mẽ sau đợt suy thoái sâu vì Covid trong năm ngoái đã thúc đẩy giá hàng hóa bùng nổ. Không thể đi dịch bệnh và ăn ngoài cũng bị hạn chế, người tiêu dùng thay vào đó tiêu tiền cho những hàng hóa vật lý. Đó là mọi thứ từ những chiếc tivi đời mới nhất cho đến máy sưởi. Các chính trị gia cũng giúp sức khi phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng trăm tỷ USD mà sẽ cần dùng đến rất nhiều nguyên vật liệu.
Bloomberg Commodity Spot Index, chỉ số gồm hơn 20 nguyên vật liệu thô, đã chạm đỉnh 10 năm trong tuần này và đang hướng đến kỷ lục được thiết lập năm 2011. Giá dầu thô biển Bắc, chỉ số chuẩn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu, đã tăng lên trên ngưỡng 75 USD/thùng. Giá đồng quay trở lại mức 10.000 USD/tấn trong khi giá khí đốt châu Âu ở mức cao chưa từng thấy trong mùa hè. Giá thép cũng đang ở mức cao chưa từng thấy. Ngô, đậu tương, lúa mì và các loại nông sản đều trở nên đắt đỏ hơn.
Bloomberg Commodity Spot Index cao nhất 10 năm. Nguồn: Bloomberg.
"Nhu cầu sẽ tiếp tục cải thiện với số người được tiêm vaccine tăng nhanh trên toàn thế giới", CEO Joe Gorder của Valero Energy, một trong những công ty lọc dầu lớn nhất thế giới, nhận định.
Kể cả những hàng hóa đã "nguội lạnh" quá lâu như than nhiệt cũng đang trỗi dậy. Than đá, loại thường được sử dụng làm nguyên liệu để các nhà máy điện sản xuất ra điện, đang ở mức giá cao nhất 10 năm bất chấp vẫn bị gắn mác siêu bẩn vì lượng khí thải carbon đi kèm với nó.
Mặc dù giá hàng hóa tăng vọt là lý do chính tạo ra sức sống mới cho các công ty khai thác tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh đó cũng có một số yếu tố mang tính cấu trúc ngành. Sau thời gian dài cắt giảm chi tiêu cho các dự án mới, các công ty khai mỏ và dầu mỏ đã tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung. Các công ty khai khoáng mở đầu trào lưu từ năm 2015-16 do sức ép từ các nhà đầu tư, và các công ty dầu mỏ tiếp bước từ năm ngoái.
Vừa trong tuần này một vài tập đoàn năng lượng lớn cũng thông báo sẽ cắt giảm chi tiêu cho năm 2021. Kết cục là phía cầu tăng mạnh nhưng cung thì không tăng, thậm chí giảm (ít nhất là ở thời điểm hiện tại). Các tập đoàn dầu mỏ còn được hưởng lợi từ quyết định hoãn tăng sản lượng mới đây của nhóm OPEC+.
Anglo American vừa thông báo sẽ giành 4 tỷ USD chi trả cổ tức và có lẽ đây là câu chuyện đáng chú ý nhất của ngành. Tuy nhiên, lợi nhuận của Anglo vẫn nhỏ bé so với các đối thủ lớn hơn. Rio Tinto và Vale SA, 2 công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, tổng cộng đã cam kết chi hơn 17 tỷ USD để trả cổ tức. BHP và Glencore vẫn chưa báo cáo kết quả kinh doanh nhưng được dự báo sẽ đưa ra những con số "khủng".
ArcelorMittal SA, công ty thép lớn nhất thế giới ở bên ngoài Trung Quốc, đã buộc phải bán cổ phần và hủy bỏ cổ tức 5 năm trước nhưng vừa công bố kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ 2008, đồng thời thông báo mua lại số cổ phiếu quỹ trị giá 2,2 tỷ USD.
Các tập đoàn dầu mỏ đang hồi phục mạnh mẽ sau cú sập giá lịch sử năm 2020, khi cuộc chiến về giá giữa Saudi và Nga cùng với đại dịch khiến giá dầu rơi xuống mức âm trong chốc lát. Được hỗ trợ bởi giá dầu, khí đốt và hóa chất đều tăng, từ Exxon Mobil, Chevron, Royal Dutch đến TotalEnergies đều ghi nhận mức lợi nhuận quay trở lại thời trước dịch.
Năm ngoái Shell đã phải thông báo cắt giảm cổ tức lần đầu tiên kể từ thế chiến thứ hai. Tuy nhiên với dòng tiền mặt đang tăng trở lại, công ty đã có thể tăng tỷ lệ chi trả cổ tức lên gần 40% và thông báo chi 2 tỷ USD mua cổ phiếu quỹ.
Bức tranh của các công ty giao dịch hàng hóa không sáng tỏ bằng nhưng cũng rất sáng sủa. Glencore dự báo lợi nhuận từ mảng giao dịch sẽ tốt hơn dự báo, trong khi các đối thủ Vitol và Trafigura Group, 2 công ty buôn bán dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng đang hưởng lợi từ những cơ hội sinh lời tuyệt vời.
Trong khi đó các tay buôn nông sản tận dụng mức giá cao hơn và nhu cầu tăng đột biến từ Trung Quốc. Bunge, công ty giao dịch đậu tương lớn nhất thế giới, nói với các nhà đầu tư rằng quý vừa qua sẽ ghi nhận tỷ lệ EPS cao nhất kể từ khi IPO cách đây 2 thập kỷ. Archer-Daniels-Midland, 1 ông lớn giao dịch ngũ cốc khác đến từ Mỹ, cũng có lợi nhuận tăng mạnh. Và tập đoàn Cargill đang hướng tới mức lợi nhuận kỷ lục trong năm tài khóa 2021.
Liệu đà bùng nổ có thể kéo dài hay không vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà đầu tư lo ngại biến đổi khí hậu sẽ đe dọa tương lai lâu dài của ngành này. Bên cạnh đó là những lo lắng về xu hướng các lãnh đạo doanh nghiệp thường thông qua các dự án đắt đỏ khi giá hàng hóa đạt đỉnh. Các công ty khai khoáng thì lo sợ nhu cầu từ Trung Quốc sẽ giảm xuống, điều đặc biệt ảnh hưởng lớn đến giá quặng sắt. Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt đầu tư ở thời điểm hiện tại sẽ hỗ trợ giá nhiều mặt hàng như đồng và dầu mỏ.
Tham khảo Bloomberg