Tỷ lệ kết hôn giảm, số người độc thân hoặc kết hôn muộn tăng là vấn đề không của riêng quốc gia nào trên thế giới hiện nay. Tại châu Á, nhất là khu vực Á Đông - nơi vẫn còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa truyền thống và coi trọng tầm ảnh hưởng của gia đình, ngày càng có nhiều người trẻ cũng kiên quyết sống một mình cả đời. Lý do từ lâu đã không chỉ còn gói gọn trong vấn đề tài chính.
Min Kyeong-seok, một người đàn ông Hàn Quốc 37 tuổi độc thân cho biết mình chưa bao giờ cảm thấy ái ngại việc phải đi ăn một mình, vào khách sạn hạng sang một mình. Anh chia sẻ những trải nghiệm một mình bản thân làm hằng ngày lên một trang blog tên "Một người một mình hạnh phúc".
"Tôi muốn cho mọi người thấy rằng tôi sống độc thân và rất hạnh phúc. Người Hàn Quốc luôn cho rằng người độc thân, đặc biệt là người độc thân lớn tuổi rất tội nghiệp, cô đơn hay nghèo khổ, thậm chí có vấn đề về thể chất hay thần kinh thì mới vậy. Nhưng tôi thực sự không cần ăn với người khác mới cảm thấy ngon. Nếu có điều gì khiến tôi thấy bữa ăn của mình ngon hơn thì đó là thái độ phục vụ của nhân viên thôi", Min thổ lộ.
Lối sống "độc thân vui vẻ" của thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày nay đã phổ biến đến mức được đặt những cái tên riêng. Những ai chọn sống một mình, không có ý định kết hôn được gọi là honjok, kết hợp giữa 2 từ có nghĩa là "một mình" và "bộ tộc". Ngoài ra còn có một từ mới nữa để chỉ những người phụ nữ không muốn lấy chồng là bihon. Lối sống honjok chỉ dành cho những ai chủ động chọn độc thân, hài lòng với quyết định này và không quan tâm đến sự đánh giá của thế giới bên ngoài.
Nhiều người giờ đây tận hưởng cuộc sống một mình vẫn hạnh phúc (Ảnh minh họa)
Min Kyeong-seok cho biết chính những tư tưởng truyền thống cũ đã khiến anh chán ngán, muốn lựa chọn một kiểu sống mới thoải mái, tự do hơn và trái ngược với những gì cha mẹ, thế hệ trước đã làm.
"Sống tại Hàn Quốc, bạn lúc nào cũng sẽ cảm thấy mình bị gắn với những nhiệm vụ từ khi sinh ra. Lúc nhỏ thì phải đi học trường tốt, sau đó phải có việc làm tử tế, lấy vợ lấy chồng rồi đẻ con. Nếu bạn không làm được đúng các bước, bạn sẽ bị coi thường và bị cho là kém cỏi", Min nói.
Năm 2020, tỷ lệ số hộ độc thân tại Hàn Quốc tăng lên con số kỷ lục 31,7%, trong đó chủ yếu là nhóm người ở độ tuổi 20 và 30. Tỷ lệ đăng ký kết hôn và sinh con cũng giảm dần đều theo thời gian. Nguyên nhân chủ yếu vẫn được cho là do giá cả sinh hoạt phí quá cao, sống một mình đã khó chứ chưa nói đến việc phải nuôi người khác. Ở Hàn Quốc vẫn có quan niệm rằng điều kiện tiên quyết để kết hôn là phải có nhà. Trong khi đó chỉ trong 4 năm trở lại đây, giá trung bình căn hộ chung cư ở thủ đô Seoul đã tăng gấp đôi.
Joongseek Lee, một giáo sư đến từ Đại học Quốc gia Seoul đang nghiên cứu về xu thế sống độc thân cho biết dù xã hội vẫn có tư tưởng gia trưởng, coi trọng chuyện "thành gia lập thất", giới trẻ vẫn ngày càng ưa chuộng sống một mình.
Tỷ lệ sinh con ở Hàn Quốc năm 2021 thấp nhất thế giới
Thế nhưng tài chính từ lâu đã không còn là lý do duy nhất khiến mọi người chọn không kết hôn. Có không ít người có điều kiện, giàu có cũng "mê đắm" với việc được ở một mình cả đời.
Lee Ye-eun, một cử nhân tốt nghiệp từ Đại học Seoul danh giá cho biết sự bất bình đẳng giới tại Hàn Quốc khiến cô ghét việc kết hôn. Đất nước Đông Á này hiện vẫn có chênh lệch mức lương lớn giữa nam giới và nữ giới.
"Tôi sẽ không hẹn hò, không yêu đương, không kết hôn và chắc chắn không sinh con, ngay cả nếu được cho tiền. Tôi không ghét hôn nhân vì không tìm được đàn ông tốt mà vì xã hội này đã mặc định khiến người phụ nữ phải ở vị trí thấp hơn trong một mối quan hệ", cô gái 25 tuổi khẳng định mình đã quyết chí sống một mình nốt phần đời còn lại.
Lee Ye-eun cũng cho biết việc không có gia đình và con cái cũng giúp cô có nhiều thời gian hơn để tập trung vào những yếu tố khác trong cuộc sống và tận hưởng những hạnh phúc kiểu khác.
Kang Ye-seul, 27 tuổi, một người phụ nữ chọn lối sống bihon cũng có suy nghĩ tương tự: "Sống độc thân giúp tôi có nhiều thời gian theo đuổi đam mê, sự nghiệp của mình hơn, đồng thời cũng thường xuyên được gặp gỡ những người bạn độc thân giống mình. Trước đây, tôi cũng đã từng đóng khung khái niệm 'hạnh phúc' như xã hội đặt ra, đó là phải có chồng, phải làm mẹ. Thế nhưng bây giờ tôi hạnh phúc và tự do khi chọn lối sống bihon, tôi nhận ra rằng có khi mình còn hạnh phúc hơn cả ngày xưa. Không có tiêu chuẩn chung nào cho thứ gọi là 'hạnh phúc' hết".
Những tiêu chuẩn gò bó cứng ngắc của xã hội cũ càng khiến người trẻ muốn làm ngược lại (Ảnh minh họa)
Nhiều đất nước Đông Á đang phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế, điều này khiến thị trường lao động trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn và con người làm việc nhiều hơn. Ở Trung Quốc, số lượng người trẻ chọn sống độc thân cũng ngày một tăng dần và trở thành xu hướng tất yếu, bất chấp rất nhiều nỗ lực khuyến khích sinh đẻ của chính quyền. Ngoài lý do muôn thuở là áp lực cuộc sống và tiền bạc, phụ nữ Gen Z nước này nhiều người không lấy chồng vì muốn theo đuổi sự nghiệp hơn là theo đuổi tình yêu.
Ye Liu, một giáo sư gốc Trung Quốc đến từ Kings College London (Anh) nhận định về thế hệ Gen Z ngày nay: "Hầu hết mọi người vẫn mong mỏi có thể cân bằng công việc và gia đình. Nếu không có sự nghiệp ổn định và các cơ hội đảm bảo cuộc sống tương lai, thật khó để thuyết phục giới trẻ sinh đẻ. Phụ nữ thuộc thế hệ Gen Z giờ đây có trình độ học vấn cao hơn thế hệ trước, sau khi tốt nghiệp họ sẽ ưu tiên phát triển sự nghiệp rồi mới kết hôn".
Tuy nhiên, khi bước vào độ tuổi "quá lứa lỡ thì" theo tiêu chuẩn truyền thống, họ lại ít lựa chọn bạn đời phù hợp hơn. Chính vì thế mà nhiều người chọn sống độc thân luôn vì đã độc lập kinh tế, không còn háo hức với hôn nhân và cũng không còn bị áp lực "phải kết hôn" nữa.
Ưu tiên cuộc sống đã dành cho công việc nên nhiều người dần coi hôn nhân là thứ yếu (Ảnh minh họa)
Nguồn: The Guardian