Hai thương nhân phân phối xăng dầu vừa "xin trả" Giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Bộ Công Thương và được chấp thuận có địa chỉ kinh doanh tại TP.HCM và tỉnh Ninh Bình.
Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin thu hồi giấy phép 2 doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu. Theo đó, Công ty CP Thương mại nhiên liệu Cửu Long tại địa chỉ số 85 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật tại SN 18 Phía Nam trường Đại học Hoa Lư, xã Ninh Tiến, Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình có đơn xin dừng hoạt động làm thương nhân phân phối do khó khăn trong kinh doanh.
Hai doanh nghiệp này trước đó được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu trong các năm 2020-2021. Tuy nhiên, do thay đổi phương thức kinh doanh, khó khăn, hai doanh nghiệp nói trên xin dừng hoạt động, trả giấy phép cho Bộ Công Thương. Sau đơn xin của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đồng ý thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của hai doanh nghiệp nói trên theo đúng trình tự thủ tục quy định.
Theo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối báo cáo việc duy trì điều kiện làm thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định.
Qua báo cáo, rà soát, nhiều thương nhân phân phối đã không duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định, các thương nhân đã chủ động trả lại Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, Bộ Công Thương khẳng định, việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Về nguồn cung, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Từ đầu năm đến nay, về cơ bản các đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu được phân giao nguồn cung xăng dầu về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.
Tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước ước thực hiện quý II/ 2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ quý II/2024 khoảng 6,3 triệu m3/tấn. Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7 - 1,8 triệu m3/tấn, về cơ bản đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Tháng 6/2024, Bộ Công Thương công bố, trong 5 tháng năm 2024, có 16 thương nhân phân phối xin trả giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Bộ Công Thương. Tính từ năm 2023 - 2024, cả nước có 32 thương nhân phân phối xăng dầu rời bỏ thị trường.
Như vậy, tính đến giữa tháng 7/2024, có 18 thương nhân phân phối xăng dầu xin rút giấy phép kinh doanh xăng dầu, nâng tổng số doanh nghiệp là thương nhân phân phối xăng dầu rời bỏ thị trường từ năm 2023 đến nay là 25 doanh nghiệp.
Số lượng thương nhân phân phối xăng dầu đã giảm từ 330 doanh nghiệp, xuống còn 298 doanh nghiệp (tháng 6/2024) và xuống còn 296 doanh nghiệp vào giữa tháng 7/2024.
Hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay có 4 mô hình kinh doanh, đầu mối kinh doanh xăng dầu gồm 29 doanh nghiệp đầu mối lớn, thương nhân phân phối gồm 296 doanh nghiệp, tổng đại lý và đại lý bán lẻ với số lượng hàng nghìn, đến chục nghìn doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc các thương nhân phân phối xăng dầu không duy trì điều kiện làm thương nhân phân phối và trả lại giấy chứng nhận, nếu tiếp tục kinh doanh xăng dầu thì họ sẽ lựa chọn hình thức khác như làm đại lý bán lẻ xăng dầu, khi đó các cửa hàng của họ vẫn hoạt động bình thường.
Nếu không tiếp tục kinh doanh xăng dầu, họ chuyển nhượng hoặc cho thuê cơ sở vật chất cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác để tiếp tục kinh doanh. Như vậy, về cơ bản các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tại dự thảo lần 3 về Nghị định sửa đổi Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu mới được Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất quy định thương nhân phân phối không được mua xăng dầu của nhau, điều này đồng nghĩa các thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đề xuất này của Bộ Công Thương khiến việc nhập nguồn xăng dầu của doanh nghiệp là thương nhân phân phối sẽ khó khăn hơn và mất đi tính cạnh tranh về nguồn hàng, giá các mặt hàng xăng dầu.