Để chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh còn mâu thuẫn, chồng chéo, đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội, Bộ Tư pháp đã tiến hành rà soát các luật hiện hành.
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, qua tổng hợp cho thấy có 25 luật đang gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư kinh doanh và đời sống xã hội. Trong đó có 16 luật được Bộ Tư pháp rà soát và phát hiện đang mâu thuẫn, chồng chéo cần sửa đổi, bổ sung và có 9 luật được các đơn vị đề xuất cần sửa đổi.
Ông Nguyễn Hồng Tuyến cũng lưu ý đây là một con số khá nhiều, trong khi đó đây mới chỉ là con số được phát hiện qua rà soát bước đầu của Bộ Tư pháp. Theo quy trình, sau khi rà soát Bộ Tư pháp phải họp và thống nhất với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan đến các luật này để đi đến thống nhất.
“Để bớt gánh nặng cho công tác xây dựng luật lần này, chúng tôi đề xuất cần đổi, bổ sung Luật theo tiêu chí là có mâu thuẫn, chồng chéo. Những Luật bức thiết, đang gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, đời sống xã hội mà được dư luận quan tâm, đề cập...”, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết.
Theo quy định, thời hạn Thủ tướng giao là đến ngày 20/6 phải có báo cáo để Chính phủ kịp trình Quốc hội ngay tại Kỳ họp thứ nhất. Do đó, theo ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cần gửi công văn yêu cầu các Bộ rà soát các quy định vướng mắc và gửi ngay về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Do thời gian thực hiện rà soát rất gấp nên tập trung vào những Luật, những quy định về các vấn đề đang thực sự bức xúc cần phải sửa đổi ngay để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: thu phí sử dụng đường bộ và việc xem xét miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ cho ô tô cá nhân để thúc đẩy công nghiệp ô tô trong nước…
“Phải lựa chọn những vấn đề thực sự bức xúc, đòi hỏi phải sửa ngay vì quá trình rà soát vừa qua cũng đã làm rõ được những vấn đề cần sửa ngay, những vấn đề sửa đổi theo lộ trình…”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.