Anh Hoàng Nam (TP. Hồ Chí Minh) đang muốn đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng. Với số tiền sẵn có trên 3 tỷ đồng, anh Nam băn khoăn liệu thời điểm này có phải cơ hội tốt để đầu tư và bất động sản nghỉ dưỡng?
“Cần chú ý những gì để đầu tư vào phân khúc này vừa an toàn, vừa sinh lời? Với các dự án hiện nay có đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, cam kết mua lại, thuê lại của chủ đầu tư thì liệu có an toàn hơn chính sách cam kết lợi nhuận trước đây không?”, anh Nam đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia, hiện là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có tầm nhìn dài hạn về thị trường du lịch Việt Nam...
Trước những câu hỏi của nhà đầu tư, theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, hiện là một cơ hội rất tốt nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, bởi vì các nhà đầu tư sẽ mất 1-2 năm để chờ thị trường du lịch hồi phục. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, đây là thời cơ tốt để lựa chọn sản phẩm đầu tư mà trước đây không có cơ hội.
“Trong bối cảnh bình thường, rất ít nhà đầu tư muốn bán hoặc chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng. Mặc dù mức sinh lời chỉ đạt 6-7%, nhưng nếu nhìn ở góc độ tài chính, đây là một tài sản rất đắt bởi bỏ ra 100 đồng mà mỗi năm chỉ có thêm 6-7 đồng; nhưng muốn mua cũng không có ai bán. Nên đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và có tầm nhìn dài hạn về thị trường du lịch Việt Nam”, ông Khương nói.
Cũng theo ông Khương, với bất động sản du lịch, có một tiêu chí quan trọng mà nhà đầu tư cần phải xem xét là pháp lý.
“Hiện tại luật chưa cho phép sở hữu condotel. Chúng ta phải xác định rõ mình có được quyền sở hữu tài sản trên đất trong 50 năm (có sổ hồng) hay chỉ là hợp đồng góp vốn, thuê đất có thời hạn với chủ đầu tư. Về vị trí, tôi nghĩ rằng nên mua ở khu vực mà nhà đầu tư có thể ghé mỗi 2-3 tuần để nghỉ dưỡng, bên cạnh việc giao lại cho đơn vị điều hành để khai thác cho thuê.
Ngoài ra, cần xem xét lợi nhuận từ condotel hoặc bungalow, theo tôi khoảng 6-7% là được. Bởi vì với những bungalow hoặc condotel, người ta đầu tư vào không phải vì lợi nhuận mà vì phong cách sống. Chúng ta không thể đòi hỏi lợi nhuận vào bất động sản nghỉ dưỡng như bất động sản nhà ở”, ông Khương phân tích.
Mỗi chủ đầu tư có một chính sách riêng, ông Khương cho rằng, việc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, cam kết mua lại, thuê lại của chủ đầu tư nhằm thúc đẩy khách hàng mua sản phẩm của họ. Đây đều là bài toán tài chính, thay vì họ đi vay ngân hàng thì họ bán, thuê lại và trả lãi cho người mua 10-15%/năm.
Nói về mức cam kết mua lại bao nhiêu là phù hợp, ông Khương cho rằng, nhà đầu tư cần tính toán. Chẳng hạn, người mua vay 1 tỷ đồng để mua, với lãi suất đi vay hiện nay 10-12%/năm thì sau 3 năm phải thêm 400 triệu đồng nữa. Dựa trên bài toán đó, chúng ta có thể tính toán xem họ đưa lại cho chúng ta bao nhiêu là vừa.
Tuy nhiên, ông Khương lưu ý, rủi ro là có nên nhà đầu tư cần phải xem pháp lý của dự án; nên cân nhắc kỹ điều này thay vì quan tâm sau 3 năm, chủ đầu tư mua lại thì giá bao nhiêu.
“Đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là đầu tư về phong cách sống; nếu chúng ta quá quan trọng việc lời lãi, thì có lẽ nên đầu tư vào một hướng khác”, ông Khương nói.