Anh Trần Văn Quốc ở Ba Đình (Hà Nội) đang có 5 tỷ đồng trong tay và muốn đầu tư vào bất động sản. Nhưng anh đang băn khoăn lựa chọn phân khúc nào để có thể đầu tư dài hạn vừa an toàn, vừa sinh lời.
“Bạn tôi đã đầu tư bất động sản vài nơi và khuyên tôi nên đầu tư vào phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Anh bạn phân tích, phân khúc căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay đất vùng ven, đất nông nghiệp, đất vườn đã tăng mạnh vài chục phần trăm trong vòng 2-3 năm qua nên nếu đầu tư vào lúc này là lúc giá đang quá cao. Nhưng các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thì mới tăng nhẹ 3%-5% nên còn nhiều dư địa để phân khúc này phát triển mạnh, cả cung - cầu và giá cả từ nay đến năm 2025.
Vậy tôi có nên lựa chọn xuống tiền đầu tư bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng thời điểm này?", anh Quốc đặt câu hỏi.
Với 5 tỷ đồng trong tay, nhà đầu tư băn khoăn có nên đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thời điểm này?
Số liệu từ DKRA Việt Nam cho thấy, trong quý 1/2022 cả nước ghi nhận 12 dự án biệt thự nghỉ dưỡng mở bán, cung cấp ra thị trường 1.020 căn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; đối với sản phẩm shophouse nghỉ dưỡng, có 13 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 2.768 căn, tăng 4% so với quý trước và gấp 12,4 lần so với cùng kỳ. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 87%, tăng 14,7 lần so với cùng kỳ.Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhiều địa phương sau thời gian ngưng trệ hoạt động vì đại dịch rất khao khát mở cửa, phục vụ du khách. Với lực đẩy từ gói hỗ trợ kích thích kinh tế, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ như chiếc lò xo bị nén, bật mạnh sau nhiều năm “ngủ đông”. Đặc biệt, nếu so về giá thì bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án chưa tăng quá nhiều so với đất vườn, đất vùng ven trong 2 năm qua. Đó là lý do để phân khúc này thu hút nhà đầu tư trở lại.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cengroup cũng nhận định, trong năm 2022, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là loại hình hấp dẫn trở lại. Bởi theo ông, hiện có nhiều dự án ở các thành phố du lịch lớn đều đang tăng trưởng mạnh, đó là dấu hiệu tích cực cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Hưng, Thanh Hóa và Quảng Ninh là hai thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ‘hot’ ở khu vực miền Bắc do có sự chuẩn bị tốt về mặt hạ tầng. Còn tại phía Nam, khu vực Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ hay một số tỉnh thành phố như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu… cũng đang là điểm nóng của bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, phân khúc bất đông sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện vẫn còn những rào cản về pháp lý chưa được tháo gỡ. Do đó, việc lựa chọn xuống tiền hay chờ đợi vẫn là quyết định cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Theo chuyện gia kinh tế, việc pháp luật chậm bắt kịp sự phát triển những loại hình bất động sản du lịch đã định hình trong thực tiễn làm phát sinh các vấn đề phức tạp gây tắc nghẽn, “vỡ trận” và cả sự nhập nhèm trong giao dịch mua bán quyền sở hữu của các sản phẩm là bất động sản du lịch được xây dựng trên đất ở mà không hình thành đơn vị ở. Nút thắt pháp lý của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chưa hoàn toàn được tháo gỡ, gây khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý liên quan, đồng thời tạo ra sự thiếu thống nhất giữa các địa phương khi thực hiện thủ tục hành chính, xác định chế độ sử dụng đất, giải quyết các tranh chấp nếu có phát sinh.
Còn TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, các hoạt động sau mua như sang tên, chuyển nhượng, thế chấp ngân hàng… đang còn nhiều vấn đề vướng mắc. Các cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn, bởi hiện tại, thông tư của Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều không đầy đủ.