Theo ông Thống, tiếp vận hậu cần hàng không đối với Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long rất quan trọng và cũng có ý nghĩa rất lớn. Bởi lẽ, những sản phẩm từ nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản để bán được nhiều, giá cao phải tươi sống và muốn như vậy, ngoài vấn đề bảo quản được vận chuyển kịp thời là rất cần thiết.
Hiện nay, sân bay quốc tế Cần Thơ đã đấu nối được với các tuyến nội địa gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Côn Đảo. Trong năm 2019, sân bay sẽ kết nối thêm với 5 tuyến mới là Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đà Lạt, Nha Trang cùng hai tuyến bay quốc tế đến Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia).
Theo người đứng đầu Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, địa phương muốn khai thác triệt để các tuyến bay này, không chỉ về vận chuyển hành khách, phục vụ du lịch, đầu tư mà còn cho vận chuyển hàng hóa. Vì vậy, làm sao để các mặt hàng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển kịp thời, đảm bảo tươi sống là vấn đề mà Cần Thơ đang rất cần.
Cũng theo ông Thống, trong 4 hãng đặt vấn đề triển khai dự án trung tâm tiếp vận hậu cần hàng không với Cần Thơ, thành phố đang trong quá trình cân nhắc, lựa chọn đơn vị sẽ hợp tác.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ khẳng định để hình thành được dự án này, chắc chắn phải có sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải. Với tính thiết thực của dự án, ông Thống kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ cho Cần Thơ để triển khai trung tâm tiếp vận hậu cần hàng không, như trong vấn đề lựa chọn đối tác để tiến tới phát huy hiệu quả của dự án.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ tiếp tục bàn bạc kỹ hơn kiến nghị của Cần Thơ về trung tâm tiếp vận hậu cần hàng không .
Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương đang bàn bạc hợp tác với Nhật Bản về đề án phát triển một trung tâm công nghiệp chế biến thực phẩm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trên cở sở đó, sẽ có định hướng quy hoạch xây dựng tiếp vận hậu cần hàng không để phục vụ cho vận hành của trung tâm chế biến.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề nghị Cần Thơ quan tâm hơn nữa để thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Cần Thơ xây dựng kế hoạch để doanh nghiệp có thể tiếp cận với địa phương. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong nước có vai trò, điều kiện để tham gia thúc đẩy dự án này như Vietjet Air, SHB…
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ muốn giới thiệu cho Cần Thơ để cùng tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp và địa phương trong các dự án này, cũng như tạo ra các chuỗi giá trị gắn với việc phát triển tại các thị trường.
Vào tháng 8/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký kết một thỏa thuận triển khai dự án trung tâm tiếp vận hậu cần hàng không Cần Thơ với quy mô khoảng 27ha gần sân bay Cần Thơ./.