Đây được xem là tin vui cho nông dân trồng tiêu tỉnh BR - VT trong bối cảnh giá tiêu đang ở mức thấp và liên tục tụt giảm.
Theo Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), đặc điểm cảm quan của hạt tiêu đen BR - VT là quả khô nguyên hạt, hạt có màu nâu, màu xám, màu đen, mùi thơm và vị cay nồng. Hạt tiêu đen BR - VT có đặc điểm hạt to, đường kính hạt từ 3,2 mm - 5,8 mm, vỏ hạt mỏng, độ dày vỏ hạt từ 92,7µm - 157,7µm. Các chỉ số hàm lượng mangan, sắt, bo, piperin… cũng có nhiều đặc trưng.
Các đặc điểm nhận dạng của hạt tiêu BR - VT.
Những tính chất, chất lượng đặc thù của hạt tiêu đen BR - VT có được là do điều kiện địa lý tự nhiên của khu vực và kinh nghiệm canh tác của người dân. Cụ thể, do vị trí địa lý giáp biển nên khí hậu BR - VT ôn hoà, mát mẻ, xen kẽ mưa nắng, trong những ngày mùa khô vẫn có những trận mưa trái mùa.
Địa phương này có mùa khô không khắc nghiệt, chế độ mưa phù hợp với đặc điểm sinh thái của cây hồ tiêu. Độ ẩm không khí cao đã tạo điều kiện cho hạt phấn dễ dính vào núm nhụy và thời gian thụ phấn kéo dài núm nhuỵ trương to, thuận lợi cho việc tạo quả với tỷ lệ đậu quả cao, phôi nhũ phát triển to hơn.
Điều này góp phần giải thích đường kính trung bình của sản phẩm hạt tiêu đen BR - VT to hơn sản phẩm cùng loại ở các vùng xuất xứ khác. BR - VT nằm trong khu vực ít bão nên không gây nghiêng, đổ trụ tiêu, ảnh hưởng đến mùa vụ.
Ngoài ra, chế độ gió của vùng duyên hải ven biển với gió đất - gió biển thổi thường xuyên theo chu kỳ ngày - đêm cộng với nền nhiệt cao đã tác động làm mất nước liên tục, tạo cho sản phẩm hạt tiêu BR - VT có độ săn chắc, vỏ mỏng hơn các vùng khác.
Đặc biệt, đất bazan tại các vùng trồng tiêu ở tỉnh BR - VT có đặc tính khác với đất bazan trồng tiêu nổi tiếng cả nước như huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), huyện Cư Kuin và huyện Cư M’Gar (tỉnh Đắk Lắk), huyện Phước Long, Lộc Ninh, Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) hay huyện Đắk Lấp (tỉnh Đắk Nông)…
Tuy nhiên, do phong hoá của đất đỏ bazan ở tỉnh BR - VT mỏng hơn so với tầng phong hóa ở các địa phương khác nên năng suất hồ tiêu trồng ở BR - VT thấp hơn.
Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu khá lớn, với 5.700ha.
Một đặc điểm dễ nhận biết trong cách sử dụng phân bón của người dân trồng tiêu ở BR - VT khác với một số tỉnh trồng tiêu khác là phần lớn các hộ đều dùng phân hữu cơ để bón cho cây. Phân hữu cơ được các hộ sử dụng chủ yếu là từ nguồn phân bò, phân gà, phân heo, phân ủ từ xác cá, thực vật… Điều này khiến chất lượng hồ tiêu tại đây có những điểm đặc trưng riêng.
Còn theo kết quả khảo sát hồi cuối năm 2017 của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Châu Đức là huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất BR - VT với diện tích 5.500ha, chiếm gần 70% tổng diện tích. Chi phí sản xuất hồ tiêu ở địa phương này hiện ở mức khoảng 72.000 đồng/kg tiêu 500g/l, do nông dân tính cả tiền đầu tư đất.
Tuy nhiên, do giá tiêu giảm mạnh, nhiều nông dân giữ sản phẩm lại trong nhà, chờ giá lên. Có hộ giữ từ 9 – 10 tấn hồ tiêu khô trong nhà. Có điều, các hộ đều không vay ngân hàng nên không chịu áp lực bán để trả nợ, việc giữ sản phẩm trong nhà coi như tiền tệ, khi cần chi tiêu mới bán.
Bà Trần Thị Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh BR - VT cho biết, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh hiện đã vượt gần gấp đôi so với quy hoạch đề ra đến năm 2020.
Việc hồ tiêu BR - VT được bảo hộ chỉ dẫn địa lý được xem như tin vui với người trồng tiêu trong tỉnh.
Theo đó, quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 7.000 ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên tới hơn 13.000 ha. Đây được xem là nguyên nhân chính làm giá hồ tiêu giảm sâu khi nguồn cung có dấu hiệu dư thừa.
Để đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân và phát triển bền vững, huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc đã triển khai dự án “Phát triển hồ tiêu bền vững”. Dự án nhằm hướng dẫn người dân canh tác theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu của các nước trong đó chủ yếu là hạn chế thành phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…