Theo thông tin tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước ngày 26/12, tăng trưởng huy động vốn từ đầu năm đến nay đạt gần 6%.
Số liệu của NHNN cho biết, cuối năm 2021, tổng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 10,94 triệu tỷ đồng. Như vậy, ước tính với mức tăng gần 6%, tổng tiền gửi của khách hàng hiện nay đạt khoảng 11,6 triệu tỷ đồng.
Trước đó, đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi đạt hơn 11,42 triệu tỷ, tăng 4,39% so với đầu năm với động lực chính đến từ tiền gửi của dân cư (tăng 6,78%), trong khi nhóm doanh nghiệp tăng nhẹ hơn (2,15%).
Nhìn chung tiền gửi đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn trong những tháng trở lại đây do lãi suất huy động trên thị trường tăng khá mạnh kể từ cuối tháng 9. Trước đó, trong quý 3/2022, tiền gửi tại hệ thống TCTD đã sụt giảm 0,4% do tiền gửi của nhóm doanh nghiệp giảm tới hơn 66.500 tỷ, trong khi tiền gửi dân cư chỉ tăng thêm 19.000 tỷ.
Mặc dù có diễn biến tích cực hơn trong những tháng cuối năm nhưng mức tăng 6% của huy động vốn cho cả năm 2022 vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước: năm 2021 là 9,24%, năm 2020 là 13,96%, năm 2019 là 13,92%. Đồng thời, tăng trưởng huy động năm nay cũng chưa bằng một nửa so với tăng trưởng tín dụng. Đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021 và tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại tọa đàm "Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023" do tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 27/12, ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty Dữ liệu WiGroup cho biết, chênh lệch giữa tín dụng và huy động là một trong 3 nguyên nhân khiến thanh khoản trong hệ thống ngân hàng có thời điểm thiếu hụt thời gian qua. Bên cạnh đó, thanh khoản còn khó khăn do xu hướng thắt thặt tiền tệ trên toàn cầu, lãi suất tăng và sự chấn chỉnh hoạt động trên thị trường tài chính.
“Có khoảng 11,6-11,7 triệu tỷ đồng tín dụng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà băng chỉ đang huy động được 11,2-11,3 triệu đồng từ các doanh nghiệp và hộ gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc các ngân hàng đang cho vay nhiều hơn huy động”, ông Báu cho biết.
Về lãi suất, vị chuyên gia cho rằng lãi suất đã tăng mạnh thời gian qua, nhưng năm sau tình hình sẽ dần dễ thở hơn, có thể bắt đầu giảm từ quý 2/2023.
Tương tự, cũng tại tọa đàm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính cho rằng sang năm lãi suất sẽ hạ nhiệt từ cuối quý 1/2023 và trở về ổn định vào cuối quý 2/2023.
Trên thực tế, sau thời gian đua nhau tăng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền trong tháng 10, tháng 11, đà tăng đã có dấu hiệu chững lại thời gian gần đây, đặc biệt một số nhà băng đã bất ngờ điều chỉnh giảm trong nửa cuối tháng 12. Chẳng hạn, DongABank giảm 0,1-0,35%/năm ở kỳ hạn dài, Saigonbank giảm 0,4-1%/năm, BaoVietbank giảm tới 0,9%/năm,…
Xu hướng này diễn ra sau khi Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng thương mại thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Phía NHNN cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ cho những ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản.