Từ khi nhân loại quan tâm đến khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, làm cho nhiệt độ trái đất tăng đến mức đáng báo động, đe dọa cuộc sống của hàng tỷ người trên trái đất, thì tăng trưởng xanh, bền vững trở thành định hướng quan trọng của sự phát triển các quốc gia, có liên quan đến môi trường sinh thái.
Trong một số bài nghiên cứu có liên quan mối quan hệ tăng trưởng kinh tế (GDP) với lạm phát (CPI) và tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường đã có cách tiếp cận; "không hy sinh lạm phát để có tốc độ tăng trưởng cao", "Không đánh đổi môi trường vì tăng trưởng kinh tế.
Khi bàn về lạm phát, một số người thường thiên về tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP vì làm giảm năng suất lao động và thu nhập thực tế của người dân.
Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về mối quan hệ này theo cách tiếp cận khoa học; đã tìm ra ngưỡng lạm phát tối ưu cho các nước phát triển từ 1-3% thì thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua mức giới hạn càng nhiều thì tác động tiêu cực càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế.
Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng Sáu đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981. Lạm phát và lãi suất tăng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vào đầu năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới đây đã hạ dự báo vào cuối tháng 6 tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 từ 2,9% xuống 2,3% do số liệu gần đây cho thấy chi tiêu tiêu dùng đang yếu đi, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức trong việc tránh một cuộc suy thoái.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 23/12 cho biết, trong tháng 11, CPI cơ bản của nước này tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp, CPI tăng và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981, cao hơn so với con số mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Theo số liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP của nước này đã giảm 0,3% trong quý III/2022, tương đương với mức giảm tăng trưởng kinh tế hàng năm là 1,2%. Nguyên nhân chính là do tiêu dùng cá nhân quý III tăng trưởng chậm, chỉ đạt tăng 0,3% so với mức tăng trưởng 1,2% của quý trước đó, trong khi Nhật Bản cũng liên tiếp nhập siêu kéo tăng trưởng GDP xuống thấp.
Ở nước ta đã có một số công trình nghiên cứu về mối quan hệ này và đưa ra kết luận: ngưỡng lạm phát tối ưu cho Việt Nam là khoảng 3,5%/năm. Nếu CPI dưới 3,5%/năm thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại, nếu cao hơn thì sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP. Năm 2022, tăng trưởng GDP nước ta khoảng 8,2%, CPI bình quân 3,02/tháng và lạm phát cơ bản 2,39%, đều dưới ngưỡng 3,5%.
Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy tác động của lạm phát đến tăng trưởng thể hiện rõ rệt, nhưng không thấy tác động ở chiều ngược lại của tăng trưởng đến lạm phát vì quan hệ giữa tăng trưởng với lạm phát là mối quan hệ dài hạn, từ hệ quả của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Từ những tư liệu trên đây, thiết tưởng không nên dùng "hy sinh" trong mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP với CPI. Vấn đề đáng quan tâm là các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sản xuất và thị trường để áp dụng hệ thống giải pháp nhằm đạt đến ngưỡng lạm phát tối ưu, không để xảy ra tình trạng lạm phát cao, hoặc thiểu phát, nhằm gia tăng tốc độ tăng trưởng GDP để thu hẹp và đuổi kịp trình độ phát triển của các nước tiền tiến trong khu vực.
Phải chăng tăng trưởng kinh tế không tương thích với việc bảo tồn môi trường sinh thái, buộc con người phải lựa chọn một trong hai yếu tố đó (?).
Cuộc cách mạng công nghiệp đã đem lại cho loài người nhiều sản phẩm, của cải để cải thiện không ngừng đời sống vất chất và văn hóa, nhưng mặt trái của nó nảy sinh tác động tiêu cực đến môi trường, ô nhiễm khói bụi, chất thải rắn, nước thải do các nhà máy, đô thị, tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch đã làm tăng lượng khí nhà kính giữ nhiệt trong bầu khí quyển, làm gia tăng nhiệt độ trên khắp hành tinh, gây ra những thay đổi lớn về môi trường, dẫn đến sự tuyệt chủng của hàng loạt loài động thực vật và phá vỡ trạng thái cân bằng sinh thái trên trái đất.
Trong tương lai gần, mực nước biển dâng khiến hàng trăm triệu người phải di dời, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực thế giới và gây ra nỗi khổ nhân sinh cũng như thiệt hại kinh tế khá lớn.
Loài người đã ứng dụng công nghệ gây ô nhiễm môi trường thì cũng có năng lực sáng tạo ra công nghệ của nền kinh tế xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Việc thay thế dần nhiệt điện than bằng năng lượng mặt trời, điện gió, điện tái tạo; tái chế chất thải rắn và xử lý nước thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn đã biến nhân tố tác hại trở thành thân thiện với môi trường.
Khoa học và công nghệ hiện đại một mặt làm giảm dần tốc độ tăng dân số, mặt khác tạo ra năng suất cao hơn, sản lượng nhiều hơn và sản phẩm đa dạng hơn đủ nuôi sống nhiều tỷ người trên trái đất. Nạn đói vẫn xảy ra tại một số quốc gia là do các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền của những nước đó và tình trạng lãng phí lương thực, thực phẩm, sự phân phối thiếu công bằng.
Tuy nhiên, trong hai trăm năm qua dân số thế giới tăng 7 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 14 lần, làm tăng đáng kể nhu cầu tiêu dùng toàn thế giới, gây ra áp lực chính dẫn đến suy thoái môi trường. Tuy vậy từ khi bắt đầu Chuyển đổi Nhân khẩu học, hiện tượng giảm tỷ lệ sinh đã làm giảm bớt gánh nặng của đà tăng dân số đối với môi trường.
Loài người đang hướng đến mục tiêu giảm khí phát thải để làm cho nhiệt độ trái đất chỉ tăng không quá 1,5 độ C vào năm 2050, theo cách diễn đạt của tỷ phú, nhà từ thiện người Mỹ Bill Gates: "Chúng ta nên dành thập niên sắp tới để tập trung vào những công nghệ, chính sách và cấu trúc thị trường giúp đưa chúng ta vào con đường loại bỏ khí nhà kính vào năm 2050".
Nếu loài người tránh thói tự mãn và dành các nguồn lực thích hợp thì sức mạnh đáng kinh ngạc của đổi mới sáng tạo về khoa học và công nghệ, đồng thời giảm tỉ lệ sinh - cả hai đều được thúc đẩy bởi sự hình thành nguồn vốn nhân lực sẽ biến cuộc khủng hoảng khí hậu này thành một ký ức nhạt nhòa trong thế kỷ tới, do đó không phải "đánh đổi" mà phải làm cho tăng trưởng kinh tế tương thích với bảo vệ môi trường.
Xem ra cần phải có cách tiếp cận hệ thống và khoa học mới tìm ra lời giải đúng cho đất nước trong quá trình gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh và bền vững, thân thiện với môi trường, bảo đảm an sinh xã hội vì hạnh phúc của con người.