Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) lên tiếng phản bác Bộ Y tế về việc Bộ này đề xuất cho phép các sản phẩm sữa dạng lỏng khác ngoài sữa tươi tham gia Chương trình sữa học đường.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định: ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu, mà chưa cần phải bổ sung thêm các loại sữa khác.
Hiện nay, một số địa phương đã triển khai Chương trình sữa học đường, nhưng phụ huynh mong muốn cần có sự minh bạch về thông tin sữa học đường. Điều băn khoăn nhất là chất lượng sữa phải được đảm bảo, đơn vị cung cấp sữa phải có uy tín, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, các chất dinh dưỡng và hàm lượng dinh dưỡng.
Để trẻ em được hưởng nguồn sữa trong nước
Dường như không quan tâm đến sự băn khoăn của phụ huynh, mới đây, Bộ Y tế có công văn 5454 gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc sản phẩm sữa tham gia Chương trình sữa học đường, trong đó đề xuất điều chỉnh lại quy định. Thay vì chỉ sản phẩm sữa tươi mới được tham gia sữa học đường, thì chuyển theo hướng cho cả các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng được tham gia chương trình này.
Bộ Y tế nêu lý do, sữa tươi trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu của trẻ, nên phải mở rộng diện sản phẩm. Tức là, chấp nhận những sản phẩm dùng sữa bột (chủ yếu là nhập khẩu) đem hòa với nước cũng được đưa vào chương trình sữa học đường.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, đến nay Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sữa, với kim ngạch xuất khẩu sữa đạt khoảng 300 triệu USD trong năm 2017, chủ yếu đến từ sữa chua và các sản phẩm từ sữa.
Theo ông Chinh, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 là hoàn toàn có thể đạt được nhờ năng lực sản xuất của các nông hộ, doanh nghiệp ngày càng cao do áp dụng những tiến bộ công nghệ về giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng và chuồng trại. Hiện nay, các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh như Mỹ, Úc, châu Âu, tiêu thụ 100% sữa lỏng được chế biến từ sữa tươi, trong khi Việt Nam mới đáp ứng được 40%.
Vì vậy, ưu tiên phát triển đàn bò sữa, đi kèm với các dịch vụ cho chăn nuôi nuôi bò sữa để hạn chế sự phụ thuộc nhập khẩu vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng là cách để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với nguồn thức uống giàu dinh dưỡng của đất nước.
Cục Chăn nuôi đã ước tính về nhu cầu của Chương trình sữa học đường, cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước. Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh (mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho Chương trình khoảng 514.000 tấn.
Sữa tươi trong nước đảm bảo chất lượng, an toàn
"Sản lượng sữa năm 2018 đã đạt khoảng 960.000 tấn, vì vậy, nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho Chương trình sữa học đường tại các doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng được", ông Chinh khẳng định.
Theo ông Chinh, sản phẩm sữa tươi tại Việt Nam được sản xuất, đóng hộp bởi các doanh nghiệp rất uy tín, như Vinamilk, TH trumilk, Mộc Châu milk, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP, Công ty Sữa Ba Vì... đều được sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi bò đến chế biến. Vì vậy, sản phẩm sữa tươi trong nước đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về mặt khoa học, khi so sánh hai loại sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên cũng có sự khác nhau nhất định. Theo đó, sữa lỏng từ 100% sữa tươi nguyên liệu vẫn còn giữ lại được những hoạt chất sinh học, enzym có lợi cho cơ thể.
Trong khi đó, với sữa bột hoàn nguyên, những chất này có thể mất đi do điều kiện trong quá trình chế biến thành sữa khô. Trong khi sữa nước do rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài về, đem hòa với nước, rất khó kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm.
"Chương trình Sữa học đường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1340 đã yêu cầu phải sử dụng sữa có nguồn gốc 100% từ sữa tươi nguyên liệu. Việc Bộ Y tế đề xuất đưa thêm các sản phẩm sữa khác là không cần thiết. Với năng lực chăn nuôi bò sữa và chế biến hiện nay, ngành sữa hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng sữa lỏng của Chương trình sữa học đường mà chưa cần bổ sung thêm các loại sữa bột khác", ông Chinh nhấn mạnh.
Để Chương trình sữa học đường triển khai hiệu quả, theo ông Tống Xuân Chinh, cần áp dụng chương trình một cách linh hoạt, tùy điều kiện địa phương.
Ví dụ, ở vùng đồng bằng, đô thị, việc lưu thông thuận tiện, có điều kiện bảo quản có thể dùng sữa tươi 100% thanh trùng, nhưng ở miền núi vận chuyển xa xôi thì dùng sữa tươi 100% tiệt trùng để đảm bảo điều kiện bảo quản.
Ở thành thị, trẻ em vốn đã được tiếp xúc với nhiều sản phẩm sữa thì áp dụng không hỗ trợ, ở vùng đồng bằng có thể kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ một phần nhưng ở miền núi thì phải có thể tài trợ toàn bộ.
Ngoài ra, ông Chinh cho rằng, cần đa dạng hóa các sản phẩm từ sữa khác ngoài sữa lỏng để trẻ em có nhiều sự lựa chọn, miễn là từ sữa như pho mát, sữa chua, váng sữa,... Cần quy định hàm lượng đường Saccharose trong các sản phẩm sữa để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, giảm nguy cơ bệnh tật do uống quá nhiều đường.