Ngân hàng nào đang dẫn đầu cuộc đua lãi suất?
Nếu như mức lãi suất trên 8%/năm trước đây chỉ được một số ngân hàng áp dụng và với kỳ hạn dài thì trong những tháng gần đây đã khá phổ biến.
Trong đó, Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) vốn đang là ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất huy động cao nhất trong một thời gian dài thì mới đây lại tiếp tục “củng cố” vị trí dẫn đầu này khi tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 10,2% năm.
Theo đó, chỉ cần 10 triệu đồng trở lên đối với khách hàng cá nhân và từ 100 triệu đồng với khách hàng tổ chức, khách hàng đã có thể mua chứng chỉ tiền gửi với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng, mức lãi suất tương ứng là: 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.
Hiện nay, lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này đang là 8,6%/năm với tiết kiệm thường và 8,7%/năm với tiết kiệm online.
Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,1%/năm, kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng một lần. 9,1% cũng là mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi mà Ngân hàng Việt Á (VietABank) đang phát hành.
Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi lên tới 8,9%/năm.
Trong khi đó, với lãi suất tiết kiệm, Ngân hàng An Bình (ABBank) đang áp dụng mức lãi suất cao nhất 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng SHB cũng đẩy lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 7% lên đến 7,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm; kỳ hạn 13 tháng là 8,2%.
Cuộc đua lãi suất đang ngày càng được đẩy cao
Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng mạnh lãi suất kỳ hạn dài. Theo đó, kỳ hạn 18 tháng tăng từ 7,45%/năm lên 7,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng từ 7,55 lên 7,9%/năm; 36 tháng tăng từ 7,6%/năm lên 8,0%/năm. Đối với tiền gửi online, OCB cộng thêm 0,1% lãi suất…
Theo các ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất thời gian gần đây nhằm thu hút nguồn tiền gửi dân cư, nhất là tiền gửi trung và dài hạn để gia tăng nguồn lực đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thời điểm cuối năm, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Nên “tuýt còi”, hay để thị trường quyết định
Trước tình trạng các ngân hàng đua tăng lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có văn bản cảnh báo. Theo đó, NHNN cho rằng động thái tăng lãi suất này tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.
Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường…
Đồng thời, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát tình hình triển khai giải pháp về lãi suất, tín dụng của các tổ chức tín dụng và có biện pháp nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN, trong đó bao gồm cả các biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng vi phạm.
Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng việc NHNN đưa ra một mệnh lệnh như vậy là không hợp lý. Bởi vì, trừ tiền gửi cho đến 6 tháng hiện nay bị khống chế trần là 5,5%/năm, còn lại NHNN đang cho phép các ngân hàng thỏa thuận lãi suất với khách hàng.
“Nhiều người cho rằng việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động là cạnh tranh không lành mạnh, nhưng tôi không đồng tình mà theo tôi là họ đang đi vào cạnh tranh một cách rất khốc liệt. Mức lãi suất của họ đưa ra là cái điểm mà hai đường biểu diễn cung và cầu gặp nhau, thì đó là cái giá của thị trường, được thị trường chấp nhận thì tôi không nghĩ là nó đang hoạt động không lành mạnh” – TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cũng theo vị chuyên gia, nếu các ngân hàng huy động vốn cao thì người hưởng lợi chính là người dân. Còn nếu các ngân hàng đó mà dùng vốn đó kinh doanh không có lời, thì chính là họ đang tự "bắn" vào chân họ.
“Thành ra, NHNN hãy để họ tự hạch toán bài toán kinh doanh, thực hiện cơ chế thị trường của họ. Trừ trường hợp chứng minh được việc huy động lãi suất cao như vậy làm thiệt hại cho nền tài chính, ngân hàng, thì lúc đó có thể xử lý theo Luật Các tổ chức tín dụng” – TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Xem bài gốc tại đây