Đầu tháng 2/2019, NHNN thực hiện lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Đây là một trong các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã ban hành 20/11/2017.
Tổ chức tín dụng tham gia tái cơ cấu được "ưu ái" dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn
Theo quy định tại Luật và hướng dẫn tại Thông tư như dự thảo đang lấy ý kiến đóng góp, điểm đáng lưu ý là các tổ chức tín dụng hỗ trợ tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Không phải lần đầu NHNN áp dụng hình thức "ưu ái" này. Thông tư 10/2015/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định hai hình thức hỗ trợ nguồn vốn cho vay chính gồm: tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho vay và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ 40% trở lên.
Đối với hoạt động cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua hồi tháng 10/2017 cho phép TCTD hỗ trợ hưởng 2 ưu đãi, gồm vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0% và giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt. Cùng đó, TCTD hỗ trợ còn được hưởng 5 quyền lợi khác (không hạn chế về tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ; phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi; áp dụng hệ số rủi ro 0% với khoản cho vay, tiền gửi tại TCTD được kiểm soát đặc biệt...).
6 nghĩa vụ & 6 quyền lợi của TCTD hỗ trợ được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2017
Cũng phải nhắc lại rằng, cam kết của Thống đốc Lê Minh Hưng tại nghị trường Quốc hội là không sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Đi kèm với các nghĩa vụ, quyền lợi cho TCTD hỗ trợ là điều dễ hiểu. "Củ cà rốt" sẽ thu hút sự tham gia hỗ trợ cho TCTD đang có vấn đề.
Tại bản dự thảo đầu tiên lấy ý kiến đóng góp của Luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo còn nêu cho TCTD hỗ trợ được vay tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc dựa trên nguyên tắc "đủ bù đắp thu nhập bị giảm và chi phí phát sinh trong quá trình hỗ trợ cơ cấu lại". Các dự thảo sau đó đã điều chỉnh lại như Luật đã ban hành (giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt). Tới dự thảo Thông tư hướng dẫn này, NHNN nêu rõ TCTD hỗ trợ được giảm đối với tất cả các loại tiền gửi.
Điều 8. Tổ chức tín dụng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Tổ chức tín dụng hỗ trợ quy định tại khoản 40 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14 được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148đ Luật này.
Trích Dự thảo Thông tư
Không chỉ TCTD hỗ trợ ngân hàng yếu kém được hưởng lợi
Tính đến thời điểm hiện tại, rõ ràng nhất trong nhóm các TCTD hỗ trợ là Vietcombank (hỗ trợ CB), VietinBank (hỗ trợ OceanBank, GPBank). Ngoài ba ngân hàng mua lại 0 đồng, danh sách các TCTD thuộc diện kiểm soát đặc biệt là thông tin không được công khai.
Nhưng ngoài các ngân hàng thương mại, còn nhóm tổ chức tín dụng khác cũng trong danh sách "cần được hỗ trợ" và đã có bên mong muốn hỗ trợ.
Báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2019, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank, tình cờ cho biết ngân hàng này có kế hoạch hỗ trợ cho một quỹ tín dụng nhân dân.
"Sacombank đề nghị được cấp tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20% ở giai đoạn 2018 - 2020 như phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt. Riêng năm 2019, trường hợp NHNN chấp thuận cho Sacombank hỗ trợ xử lý quỹ tín dụng nhân dân Hữu Thái - Bắc Ninh, kính đề nghị cho phép tín dụng tăng 19%".
Hồi giữa năm 2018, NamABank cũng cho biết được NHNN chỉ định tham gia tái cấu trúc một trong 3 quỹ tín dụng nhân dân tại Đồng Nai.
Phạm vi TCTD hỗ trợ không chỉ bó hẹp tại các TCTD đang hỗ trợ cơ cấu lại cho các ngân hàng yếu kém mà còn bao gồm quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính bị xét vào diện kiểm soát đặc biệt.
Lợi ích từ giảm bớt dự trữ bắt buộc
Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại NHNN. Biểu dự trữ tín dụng không thay đổi nhưng những ưu đãi riêng đang giúp công cụ này nắn dòng chảy tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và thúc đẩy TCTD tham gia hỗ trợ cho TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Trừ lần tăng hồi tháng 6/2018 đối với Agibank, biểu dự trữ bắt buộc đã được duy trì từ năm 2011
Có ý kiến cho rằng việc giảm số tiền gửi tại NHNN sẽ giúp nhiều ngân hàng có thể bơm thêm lượng tín dụng vào nền kinh tế. Nguồn tiền có thể dồi dào thêm nhưng đầu ra cho tín dụng không vì thế mà đương nhiên được mở rộng.
Tăng trưởng tín dụng đang bị NHNN kiểm soát chặt chẽ thông qua quy định về giới hạn room. Hơn nữa, khả năng mở rộng tín dụng còn phụ thuộc vào việc đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, nhất là hệ số CAR. Ý chí của một số ngân hàng cũng không mong muốn tín dụng tăng cao hơn, điển hình là Vietcombank - đơn vị đang được giao hỗ trợ CB. Dù NHNN cho phép các ngân hàng đã áp dụng chuẩn mực Basel II được nới thêm room tín dụng nhưng lãnh đạo nhà băng này cho biết không sử dụng quyền ưu tiên này.
Được giữ lại nhiều hơn số tiền được phép kinh doanh, ngoài mảng tín dụng, ngân hàng sẽ sẵn vốn để tài trợ cho mảng phi tín dụng như tài trợ thương mại, dịch vụ thanh toán L/C, kinh doanh ngoại hối...
Tỷ lệ dữ trữ bắt buộc thấp không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho TCTD. Một trường hợp tương đối hi hữu nhưng đã xảy ra tại Agribank. Nhà băng này từng được hưởng mức dự trữ bắt buộc chỉ 1% đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng tại Agribank tăng gấp 3 lần, lên 3% từ tháng 6/2018. Dù quy định là vậy nhưng ngân hàng luôn giữ tỷ lệ trên ở mức 3-5% vì đã thừa thanh khoản. Nhờ được nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, một phần số tiền gửi vượt quy định mới được hưởng lãi suất.