Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê (đoàn TP.HCM), một đô thị có áp lực tăng dân số rất lớn về mặt cơ học đòi hỏi TP phải có bước giải quyết cấp bách. Ví dụ, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, úng ngập, cùng với một loạt chính sách an sinh xã hội như khám chữa bệnh, nhà ở cho người thu nhập thấp… là những thách thức đặt ra bên cạnh "chiếc áo" cơ chế đang ngày càng chật.
Xin cơ chế để giải quyết thách thức
Ông Khuê nhận định, đây là những cơ sở để TP.HCM kiến nghị với Trung ương và Chính phủ xem xét cho TP.HCM một cơ chế thông thoáng hơn, để làm sao giải quyết những thách thức đó. Bên cạnh nguồn lực như đất đai, TP cũng phải điều chỉnh, phân vùng quy hoạch trồng lúa nước, xem xét lại thu hút đầu tư, trong đó có công nghệ cao, sắp xếp lại kho tàng, bến bãi để có được nguồn đất nhằm xây các khu nhà dành cho người có thu nhập thấp, công trình công cộng…
“Tức là TP.HCM xin cơ chế để hướng đến cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thông qua cơ chế này, TP.HCM phải lấy đó làm trọng điểm để có những dự án rõ nét và tổ chức hiệu quả” - ông Khuê nói.
Đi vào cụ thể những đề xuất cơ chế của TP.HCM như thuế, ông Khuê cho biết thuế tài sản chưa đặt vào lần này, bởi đây là vấn đề hết sức mới, nếu đặt ra không đúng sẽ tác động và ảnh hưởng đến thu hút nguồn đầu tư, doanh nghiệp. Vì TP đang kêu gọi khởi nghiệp, nếu đặt ra không hợp lý sẽ vô tình gây khó khăn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Đây là vấn đề lớn, phải được Quốc hội xem xét về khía cạnh luật”, ông Khuê nói.
Hay như phí và lệ phí, không thể tùy tiện tăng phí một cách bất hợp lý. Trên cơ sở khung sườn Quốc hội thông qua, Chính phủ cho phép và căn cứ thực tiễn, TP có thể đề xuất và báo cáo xin chủ trương tăng thêm loại phí gì, ví dụ phí khai thác kinh doanh lòng, lề đường, phí xử lý rác môi trường. TP đang có chủ trương phải làm cho môi trường xanh và sạch, là một đô thị không rác, thì phải xử lý rác thải, rác công nghiệp và bãi rác ngầm như thế nào để không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm.
“Tôi chỉ đưa ra một vài lệ phí đó thôi, chứ không thể tăng tùy tiện, bởi khi đặt ra vấn đề tăng thuế là ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Do đó cần phải suy nghĩ, chứ không thể kiến nghị rồi tùy tiện tăng thuế, phí để đánh vào sức dân”, ông Khuê chia sẻ.
Mặt khác, theo ông Khuê, TP.HCM phải xem xét kỹ lưỡng Nghị quyết là tạo điều kiện, nhưng nếu trong giải pháp, tổ chức mà không phù hợp thì lại vô tình trói lại thêm một lần nữa khi không khoan được sức dân. Điều này TP. HCM cần rất thận trọng.
Cần sắp xếp lại kho tàng bến bãi
Liên quan đến thí điểm các chính sách thuế, phí, lệ phí, ông Khuê cho biết, phần lớn ý kiến thống nhất điều chỉnh thuế suất, các sắc thuế khác, mức phí, lệ phí. Song, cần quy định cụ thể mức trần tối đa bao nhiêu hoặc quy định tăng theo tỷ lệ phần trăm nhất định. Nhưng cũng lại có ý kiến đề nghị không nên có mức trần, không nên giới hạn các sắc thuế, mức thuế.
Về vấn đề này, ông Khuê cho rằng khi đặt ra mức trần là đã có sự xem xét cần thiết. Bởi vì phải nhìn trên mặt bằng chung của một đô thị, mặt khác cũng xem xét dựa trên tính tương tác của các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, để làm sao ngăn ngừa việc tăng thiếu cơ sở.
“Do đó cần phải có mức trần để tự kiểm soát lấy mình. Lo đầu tư trọng điểm là đúng, nhưng lại quên mất yếu tố rất cần thiết là mức sống của một đô thị và của người dân”, ông Khuê cho biết.
Đánh giá về tự chủ tài chính, theo ông Khuê, việc CPH, thoái vốn của các DNNN, đối với TP.HCM không phải là vấn đề trọng yếu. Bởi vì sau khi tính toán sắp xếp, điều chỉnh lại, phần khấu trừ để lại cho TP. HCM cũng không lớn. Cái thực sự khiến ông Khuê lo lắng nhất, đó là hiện nay ở TP.HCM còn nhiều kho tàng, bến bãi, mặt bằng mà một số cơ quan lâu nay sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Chính vì vậy, TP sẽ mạnh dạn kiến nghị Trung ương có thể sử dụng những cơ sở chưa hợp lý này.
“Kho tàng bến bãi bị bỏ trống, hoặc có những cơ quan cho thuê để khai thác nhưng không có hiệu quả. Điều này gây khó khăn cho TP trong quy trình sắp xếp lại”, ông Khuê chia sẻ.