Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Chuyên gia nói gì?

12/12/2017 07:46
Việc triển khai đề án cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển cần phải giải quyết bằng được vấn đề cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kẹt xe, ngập nước.

Chiều 11-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp với các giám đốc sở ngành, quận, huyện cùng các chuyên gia để bàn cách triển khai Nghị quyết 54 (NQ) của Quốc hội về thí điểm cơ chế , chính sách đặc thù phát triển TP.HCM .

Đánh giá kỹ trước khi tăng phí, thuế

TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khóa XIII, cho rằng những gì NQ cho là cơ sở để TP.HCM có thể nâng tầm, nâng tính chủ động trong vấn đề phát triển nhưng cũng là thách thức, áp lực rất lớn. “Chúng ta kêu nhiều quá, giờ được rồi mà không làm được thì sẽ rất nhiều chuyện. Đây thực sự là vấn đề hóc búa chứ không đơn giản” - ông Lịch nói.

Đối với việc tăng thuế và phí, ông Lịch kiến nghị TP.HCM phải nghiên cứu kỹ tác động của việc điều chỉnh, đặc biệt là TP nên mời chuyên gia đánh giá tác động ngược của từng đề án cụ thể. “Chúng ta tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, dịch vụ karaoke hay ô tô thì phải cân nhắc kỹ. Bởi vì nếu thuế ở đây cao, người ta chuyển chỗ khác làm ăn thì sao” - ông Lịch nói.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM, cũng đề nghị cần đánh giá tác động trước khi thực hiện các đề án tăng thuế. Bởi vì tăng thuế không chỉ tác động đến nguồn thu mà còn tác động đến doanh nghiệp (DN) và người dân. “Chúng ta không được quên giá trị gia tăng lớn nhất của TP đến từ DN. DN là động cơ tăng trưởng. Chúng ta tăng phí, tăng thuế là tăng chi phí của DN. Nếu làm không khéo TP lại đẩy mặt bằng chi phí cao lên, nền kinh tế không duy trì được sức sống thì sẽ tạo ra hiệu ứng ngược” - ông Tự Anh cảnh báo.

Ông Huỳnh Thế Du - giảng viên ĐH Fulbright, cũng nhấn mạnh để thực hiện NQ 54 thì phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút DN đến TP đầu tư, từ đó sẽ làm tăng năng lực cạnh tranh, tăng khả năng tạo việc làm, tăng khả năng thu ngân sách và tăng GDP. “Nếu chúng ta làm không khéo, DN sẽ chạy hết sang địa phương khác dẫn đến tăng thuế nhưng tổng nguồn thu giảm. TP.HCM phải trở thành chỗ trũng để nơi khác dồn các hoạt động kinh tế về chứ không khéo biến TP trở thành nơi cao hơn khiến DN rời đi” - ông Du nói.

 TS Trần Du Lịch cho rằng phải nghiên cứu kỹ tác động của việc điều chỉnh tăng thuế, phí. Ảnh: TÁ LÂM

TS Trần Du Lịch cho rằng phải nghiên cứu kỹ tác động của việc điều chỉnh tăng thuế, phí. Ảnh: TÁ LÂM

Phải tập trung giải quyết kẹt xe, ngập nước

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, nên có vài cơ chế thực hiện ngay khi NQ 54 có hiệu lực (ngày 15-1-2018) để cho thấy sự quyết tâm của TP.HCM. Trong đó cơ chế ủy quyền nên thực hiện ngay để đáp ứng sự mong đợi của người dân.

Cũng theo ông Ngân, thách thức của TP hiện nay là kẹt xe và ngập nước thì các hướng triển khai cơ chế đặc thù cũng phải hướng đến việc giải quyết những vấn đề này. “Việc triển khai đề án phải giải quyết bằng được vấn đề cơ sở hạ tầng. Bởi vì các đại biểu QH bấm nút thông qua NQ này với mong đợi rằng khi có NQ này TP sẽ giải quyết được thách thức, giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường” - ông Ngân cho biết.

Trong khi đó, ông Huỳnh Thế Du cho rằng việc khai thác giá trị từ đất có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng của TP. “Nếu không khai thác được giá trị từ đất để phát triển cơ sở hạ tầng thì việc giải quyết các thách thức hiện nay như kẹt xe, ngập lụt sẽ rất khó” - ông Du nói và nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong cơ chế tự chủ của TP.HCM là làm sao để có động lực cho cán bộ - ở những vị trí có ảnh hưởng nhiều đến các kết quả kinh tế của TP - có động lực, có động cơ và dám làm để tăng hiệu quả.

Giao việc cụ thể cho từng sở, ngành

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết việc đề xuất cơ chế đặc thù để TP.HCM phát triển bền vững đã được ấp ủ từ lâu. Ngay khi QH bấm nút thông qua NQ 54 thì TP đã có những bước chuẩn bị, cụ thể là Thành ủy và HĐND TP đã có NQ lãnh đạo và tổ chức thực hiện NQ 54 của QH. “Có những nội dung hiện nay TP đang nỗ lực để làm sao tạo cơ chế thúc đẩy TP phát triển như tính toán quy trình BT theo hướng công khai, minh bạch, hoàn thiện môi trường đầu tư của TP. Cuối tháng 12-2017, TP sẽ công bố tổ liên ngành về đầu tư. UBND TP cũng đang trình xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy các chính sách thu hồi đất đai để có hiệu quả hơn trong thời gian tới” - ông Phong nói.

Tại cuộc họp, ông Phong cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng đầu từng sở, ngành. Đối với nhóm vấn đề cơ chế tài chính, ngân sách, tăng thu nhập cho cán bộ sẽ mời nhóm chuyên gia cùng giúp TP để làm những đề án cụ thể, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến.

Đối với nhóm vấn đề phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính giao Sở Nội vụ lên kế hoạch triển khai cơ chế, tài chính, ngân sách các đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là các ban quản lý. Ông Nguyễn Thành Phong sẽ trực tiếp chỉ đạo cùng các sở, ngành liên quan đối với nhóm vấn đề này.

Đối với nhóm về đầu tư, đất đai giao giám đốc Sở KH&ĐT; giám đốc Sở TN&MT phụ trách và có vấn đề gì phát sinh thì chủ tịch UBND TP sẽ trực tiếp chỉ đạo.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, mô hình cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu DN nhà nước giao Ban quản lý Đổi mới DN TP phụ trách. Đến ngày 15-1-2018, tất cả các nhóm phải chuẩn bị xong đề cương.

Phải đánh giá bức tranh tổng thể

TP.HCM đang muốn phát triển du lịch nhưng lại tăng thuế rượu, bia, thuốc lá..., những thứ liên quan trực tiếp đến những người đến TP du lịch thì sẽ tác động như thế nào? Cần đánh giá kỹ, nếu không chúng ta có thể thu được một số khoản thu từ khách du lịch nhưng ở một số khu vực khác nguồn thu giảm đi, trong khi đó lĩnh vực du lịch lại đang là lĩnh vực chúng ta quan tâm.

TP.HCM phải đánh giá bức tranh tổng thể chứ đừng chỉ nhìn vào từng dự án cụ thể. TP.HCM đang thực hiện những đề án rất gấp gáp, khẩn trương theo nguyên tắc không hối tiếc nhưng TP cố gắng không thực hiện khi chưa thực sự cảm thấy yên tâm, chưa có nghiên cứu chắc chắn.

Ông VŨ THÀNH TỰ ANH, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM

Tin mới

Giá vàng thế giới tăng như vũ bão giữa căng thẳng thương mại
8 giờ trước
Giá vàng tăng mạnh và tiệm cận mức cao kỷ lục sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng, làm gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu.
Thuế đối ứng thấp hơn gần 1 nửa so với Việt Nam, một quốc gia châu Á vừa tăng mạnh ‘chốt đơn’ dầu thô từ Mỹ trong tháng 3, đặt mục tiêu giảm thặng dư thương mại
8 giờ trước
Quốc gia này đã tăng 67% lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 3.
Doanh nghiệp rau quả lo vạ lây tại thị trường Mỹ trong đợt đánh thuế đối ứng
5 giờ trước
Mỹ là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 của Việt Nam nhưng đây là nhóm ngành Việt Nam đang nhập siêu.
Ô tô Honda đồng loạt giảm giá đậm trong tháng 4: Cao nhất 250 triệu đồng, kèm nhiều quà tặng
6 giờ trước
Nhiều mẫu ô tô Honda đang được mạnh tay giảm giá nhằm xả hàng tồn và thu hút người mua.
Chủ xe Mitsubishi Xforce Ultimate: ‘Có lúc ăn xăng 3,8L/100km, có điểm chê nhưng được hãng khắc phục free’
6 giờ trước
Sau nửa năm sử dụng Mitsubishi Xforce Ultimate, anh Bùi Mạnh Hà cảm thấy rất hài lòng với chiếc xe này khi sở hữu một không gian rất rộng rãi và tiết kiệm nhiên liệu.

Tin cùng chuyên mục

Giá iPhone cũ tại Việt Nam gây bất ngờ
8 giờ trước
Hiện tại, giá iPhone Pro Max cũ giảm sâu, thu cũ lên đời được trợ giá thêm đến 4,5 triệu đồng.
Super Cub Lite liệu có thể 'gây sốt' tại thị trường Việt Nam khi Honda chính thức khai tử xe 50cc từ tháng 5/2025?
9 giờ trước
Hiện tại, Honda vẫn chưa công bố giá bán, công suất động cơ hay ngày ra mắt chính thức của Super Cub Lite. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán mẫu xe này sẽ là sự thay thế hợp lý cho dòng xe 50cc, không chỉ tại Nhật Bản mà còn có thể mở rộng ra thị trường toàn cầu.
Toyota bán nhiều xe gần gấp đôi trong tháng 3/2025: Yaris Cross tăng 4 lần, Vios, Corolla Cross đều tiêu thụ tốt
11 giờ trước
Tháng 3/2025, Toyota Việt Nam bán tổng cộng 5.455 xe các loại, bao gồm cả Lexus.
Những mẫu xe Mỹ nào được giảm thuế nhập khẩu từ tháng 4?
14 giờ trước
Dù thuế nhập khẩu giảm nhưng nhiều mẫu xe nhập Mỹ đang trong tình trạng tạm dừng.