Sáng nay ngày 20/11, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tiếp tục làm việc với phần thảo luận của đại biểu về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh.
Đa phần các đại biểu đều đồng tình với việc thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho Tp. Hồ Chí Minh bởi đây là đầu tàu của kinh tế phía Nam, có sự đóng góp rất lớn vào kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Thành phố đang có nhiều cơ sở hạ tầng xuống cấp và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Các cơ chế chính sách giúp thành phố phát triển lúc này là rất cần thiết, thậm chí có ý kiến còn cho là còn chậm. Khi có cơ chế sẽ tác động lên các khu vực khác và đóng góp nhiều hơn cho GDP cả nước so với hiện tại, cũng là tiền đề để áp dụng rộng rãi cho các khu vực khác.
Cũng có ý kiến của đại biểu cho rằng việc tạo ra cơ chế đặc thù phải đảm bảo không ảnh hưởng tới chính sách chung. Song theo đại biểu Lê Công Đỉnh thì điều này là vô khó bởi khi có một chính sách mới khác biệt thì không thể tránh khỏi ảnh hưởng, và đại biểu đề xuất rằng cần có đánh giá tổng thể hơn về tác động đến nền kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan thuế, phí tác động thế nào tới người dân và doanh nghiệp.
Dẫu vậy nhiều đại biểu vẫn băn khoăn và đưa ra các ý kiến khác nhau về đề xuất liên quan những cơ chế đặc thù cho thành phố như việc thu phí, tăng phí, sử dụng đất, quy hoạch, sử dụng nguồn phí tăng thêm, mức trần ngân sách được hưởng… và đặc biệt là vấn đề thuế tài sản.
Bên cạnh đó, một số ý kiến của đại biểu cũng lo ngại cơ chế đặc thù sẽ thu hút người lao động, kéo theo tình trạng di dân về thành phố nhiều hơn, qua đó tác động nhiều đến các vấn đề như xây dựng, giao thông, quản lý cư trú... và đề nghị phải có đánh giá, rà soát một cách cẩn trọng.
Các đại biểu cũng đề xuất cần có đánh giá lại sau thời gian áp dụng thí điểm, chẳng hạn 3 năm hay 5 năm, để xem có nên áp dụng tiếp hay không, có nhân rộng mô hình ra Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...hay không.