Thung lũng tình yêu là một trong những điểm tham quan không thể bỏ qua của nhiều du khách khi đến với Đà Lạt. Đây cũng là địa bàn hoạt động sôi nổi của các “cò” đặc sản. Thấy xe khách, xe máy tỉnh ngoài, các thanh niên sẽ lập tức bám theo, đon đả mời chào, lôi kéo. Nếu du khách còn lưỡng lự, "cò" sẽ đưa bưu thiếp của vườn dâu để thêm phần uy tín. Với những chiêu mồi chài mua đặc sản dâu tây, mứt dâu giá rẻ hay đi tham quan vườn dâu tây miễn phí, nhiều người đã “dính bẫy” và phải chịu ấm ức.
Anh Nguyễn Văn Tào, một du khách đến từ Nghệ An cho biết, trước khi vào Đà Lạt, anh đã gọi hỏi bạn bè và lên mạng tìm hiểu thông tin các điểm tham quan. Thế nhưng khi tới thành phố, đi thăm vườn dâu theo lời mời chào của một số đối tượng, anh rất thất vọng.
“Vừa rồi đi từ ngã 5 đến Thung lũng tình yêu, tôi thấy một số thanh niên chèo kéo vào khu tham quan dâu tây, đặc sản Đà Lạt. Tôi đi vào nhưng không đúng sự thật, vườn dâu không được như mong muốn. Giá đặc sản người ta chém chặt lên rất là cao. Mình không mua ở đó thì họ dọa dẫm này nọ” - anh Nguyễn Văn Tào nói.
Cò đang chèo kéo khách du lịch.
|
Tương tự, tại Vườn hoa thành phố, đỉnh Dốc Đá đường Phù Đổng Thiên Vương, đường Nguyên Tử Lực, Mai Anh Đào nhiều du khách cảm thấy rất khó chịu và bị làm phiền khi các đối tượng “cò” đặc sản liên tục bám theo, chèo kéo. Thậm chí có du khách đã bị các đối tượng hành hung khi không mua hàng hóa.
Mặc dù đã bị cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt xử phạt nhiều lần về hành vi sử dụng “cò” chèo kéo khách du lịch nhưng vi phạm vẫn tái diễn. Chủ các cơ sở có hành vi vi phạm bao biện rằng nếu không sử dụng cò để chèo kéo du khách thì họ không bán được hàng.
“Ở đây nhà có hai người nhưng nhiều cơ sở quanh đây sử dụng mười mấy người. Mình mà không lấy 1 hai người tiếp thị ở gần đây thì mình không có nguồn khách và sẽ không có thu nhập” - ông Kiều Vũ Hải-Chủ cơ sở mứt Thành Trung, ở phường 8, thành phố Đà Lạt giải thích.
Tại Thung lũng tình yêu nhiều "cò" đặc sản đang làm phiền du khách. |
|
Theo thống kê của Công an thành phố Đà Lạt trong từ năm 2018 đến nay đơn vị đã xử phạt 95 đối tượng, 8 cơ sở sử dụng “cò” với số tiền hơn 220 triệu đồng và thu giữ 95 xe máy. Hiện thành phố Đà Lạt còn 8 cở sở chuyên sử dụng các đối tượng để chèo kéo khách du lịch. Đa số các đối tượng này chủ yếu là từ tỉnh khác đến.
Trung tá Phạm Văn Huấn - Phó đội trưởng, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Đà Lạt cho rằng, mức xử phạt các đối tượng chèo kéo khách du lịch từ 1 - 3 triệu đồng chưa đủ sức răn đe. Trong khi một đối tượng mời chào khách du lịch vào mua đơn hàng 10 triệu đồng thì đã được chủ cơ sở trích hoa hồng từ 3 - 4 triệu đồng.
“Hiện nay thành phố Đà Lạt cũng như Công an thành phố cũng chỉ đạo rất quyết liệt về xử lý tệ nạn “cò”, tiếp thị không lành mạnh. Chúng tôi đang tăng cường bắt, xử lý đối với các hành vi chèo kéo du khách, tăng cường kiểm tra các cơ sở sử dụng “cò”. Sau khi xử lý xong chúng tôi sẽ kiến nghị UBND thành phố rút giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở này” - Trung tá Phạm Văn Huấn cho biết.
Để du khách có được những kỳ nghỉ yên bình ở thành phố ngàn hoa, tỉnh Lâm Đồng cũng như thành phố Đà Lạt cần tiếp tục kiên quyết xử lý các cơ sở kinh doanh đặc sản sử dụng “cò” chèo kéo du khách, làm xấu hình ảnh thành phố du lịch./.