Những ngày gần đây, thị trường BĐS lại "một phen" xôn xao khi BĐS khu vực lân cận sân bay Téc-Níc, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước giá đất liên tục nhảy múa. Trong đó, nhà đầu tư (NĐT) cùng cò đất từ khắp nơi đổ về khiến mặt bằng giá tăng bất thường, tới mức nhiều người ví người đi mua BĐS như đi mua kẹo kéo.
Theo lý giải của giới cò đất, mới đây có thông tin về đề xuất xây dựng sân bay tại Hớn Quản, ngay lập tức hàng trăm "cò đất", giới đầu cơ ùn ùn kéo về đây để thổi giá, lướt sóng tạo cơn sốt đất chưa từng có tại thị trường này.
Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại hiện tượng bất thường này cũng giống với cơn sốt đất Bình Ba ở Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây 1 năm về trước. Cơn sốt đất chỉ kéo dài chừng vài ngày rồi "xì hơi", chìm trong quên lãng khiến nhiều người mua đất sau cùng phải nếm "trái đắng".
Nay, ở Hớn Quản cũng diễn ra tương tự khi khu vực này thường bán đất trồng cây cao su theo ha, nhưng nay giới đầu cơ phân thành các lô đất nông nghiệp khoảng 1.000m2 bán với giá khoảng 700 triệu đến 900 triệu đồng/lô. Trong một vài ngày, một mảnh đất có thể đổi chủ 3 đến 4 lần, giá chênh lệch vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Hàng trăm xe ô tô biển số các tỉnh Bình Phước, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội… nối đuôi nhau, đi lại tấp nập khắp các tuyến đường. Cùng với đó là đội "cò đất" đi xe máy tụm lại thành từng nhóm bên đường, treo biển bán đất hoặc chạy dọc trên đường, hễ có xe dừng lại là tiếp cận chào bán và dẫn khách đi xem đất ngay lập tức. Cảnh môi giới chào mời, dẫn khách, cọc đất diễn ra tấp nập từ sáng đến đêm tại khu vực này.
Nhiều người lo ngại, lịch sử cơn sốt đất Bình Ba sẽ lặp lại tại thị trường Bình Phước
Còn nhớ, cách đây đúng tròn một năm, cơn sốt đất tại Bình Ba (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng diễn ra theo cách là sốt ảo, NĐT đổ xô đi mua bán và "xịt" sau đó không lâu. Điều này khiến người ta lo ngại rằng, cơn sốt đất sân bay Hớn Quản đang diễn ra theo đúng "mô típ" này.
Như đã phản ánh trước đó, sau Tết nguyên đán 2020, tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã diễn ra cơn sốt đất bất thường. Chỉ trong buổi sáng mảnh đất 14 tỉ đến chiều thành 18 tỉ. NĐT đổ xô đi mua bán sang tay khiến dọc các tuyến đường Bình Ba lúc đó kẹt cứng ô tô, quán cà phê đông nghịt NĐT đi mua đất; tiền cọc liên tục xuống và sang tay hưởng chênh "chóng vánh". Nguồn cơn sốt đất khu vực này là có thông tin là một Tập đoàn lớn đề xuất xin khảo sát thực hiện 2 dự án quy mô 800ha ở huyện Châu Đức.
Nhiều chuyên gia dự đoán, mô típ sốt đất của 2 khu vực này giống hết nhau. Đó là những giao dịch mua bán bất thường, NĐT chỉ cọc vài trăm đến một tỉ ngay lập tức giá được đẩy lên hàng tỉ đồng sau khi có NĐT khác vào mua. Giá đất liên tục tăng một cách chóng vánh đã khiến thị trường BĐS Bình Ba khi đó cũng "xịt" nhanh chóng, nhiều NĐT ôm đất về sau chưa kịp thoát thì thị trường trở nên im ắng.
NĐT ôm "quả đắng" tại các thị trường sốt ảo bất thường không phải là hiếm trên thị trường BĐS. Vì thế, khi một khu vực nào đó nóng chóng vánh khiến nhiều người lo ngại về thiếu sự bền vững của thị trường đó. Tuy bài học nhãn tiền đã xảy ra nhưng dường như các đợt sốt cục bộ vẫn "bùng lên" ở các thị trường ăn theo hạ tầng, siêu dự án, mặc dù các yếu tố này chưa hình thành rõ nét.
Chia sẻ về câu chuyện sốt đất ở Hớn Quản, Bình Phước, ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân cho rằng, cách tạo cơn sốt ở thị trường này giống với một số cơn sốt đất chóng vánh đã từng diễn ra ở thị trường Phú Quốc, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Theo vị chuyên gia này, đã có nhiều cơn sốt chóng vánh tiền lệ để lại hậu quả lớn cho thị trường BĐS khu vực đó, cơn sốt đất Bình Phước cũng đang diễn ra theo mô típ là chủ yếu đến từ thông tin khuếch đại của một nhóm NĐT; các thông tin về hạ tầng giao thông hay siêu dự án chưa được kiểm chứng từ các nguồn uy tín, chủ yếu được đồn thổi từ các nhóm đối tượng đầu tư, môi giới…
Quả thực, cơn sốt đất lân cận sân bay Téc-Níc đang khiến những người trong cuộc lo ngại. Một số người cho rằng, lịch sử của các cơn sốt đất chóng vánh đã từng xảy ra ở các thị trường BĐS thời gian qua có thể lặp lại ở khu vực này nếu không có sự quản lý sát sao. Khi cơn sốt đi qua rất có thể những "xác chết" BĐS (những BĐS không thoát được hàng) sẽ nằm bất động mãi mãi mà không rõ giá bán khi nào mới chạm đến mốc của thời điểm sốt.
Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng giá BĐS một cách nhanh chóng tạo nên những cơn sốt đất cục bộ là do thông tin quy hoạch chưa được rõ ràng, minh bạch và thị trường khan hiếm nguồn cung. Vì vậy, khi công bố quy hoạch, chính quyền địa phương phải công bố cả kế hoạch phát triển như thế nào, lộ trình bao nhiêu năm, đã giao cho doanh nghiệp nào để triển khai… Thông tin quy hoạch, phát triển càng rõ ràng càng giúp cho thị trường ít bị biến động, xáo trộn.
Còn về nguồn cung, khi cơ quan quản lý tạo thuận lợi về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, phê duyệt dự án thì sẽ đảm bảo có nguồn cung. Khi có nhiều hàng hóa ra thị trường sẽ tạo ra sự cân bằng tự nhiên, có nhiều sản phẩm thì giá sẽ bình ổn, hạn chế được tình trạng sốt đất, thổi giá ở một số khu vực.