Thị trường những tháng đầu năm 2022 được cho rằng tiếp tục sôi động trở lại. Có môi giới còn tiết lộ, bất động sản sốt đến nỗi, giá tăng theo từng tuần. Nếu nhà đầu tư không chốt hàng sớm, có thể mất đi cơ hội sở hữu những lô đất đẹp hoặc phải chấp nhận trả khoản tiền cao hơn so với thời điểm đầu tư.
Thế nhưng, trên thị trường lại có những nhà đầu tư chia sẻ, họ rao bán hàng loạt lô đất đẹp nhưng mãi không có người mua.
Theo Anh Trần Văn Tuấn - nhà đầu tư tại Hà Nội, lô đất chị mua tại Bắc Giang suốt từ đầu năm 2021 vẫn đang nằm “án binh bất động”, chưa bán được. Mặc dù môi giới ở khu vực này liên tục tung ra các thông tin “sốt đất”, mua bán nhanh chóng.
“Từ năm 2021, thấy bạn bè tôi kéo nhau về Bắc Giang mua đất, nghe nói thời điểm đó thị trường không có hàng để bán. Chỉ trong vài ngày tôi đã chốt mua lô đất rộng 150m2, với giá 21 triệu đồng/m2, tổng hơn 3,1 tỷ đồng”, anh Tuấn nói.
Đến đầu năm 2022, thấy môi giới tại khu vực này tiếp tục đồn thổi “sốt đất”, tranh thủ “ăn theo” bán lô đất đang nắm giữ. Nhưng đến nay đã gần 4 tháng, chỉ có 2 người thiện chí đến tận nơi xem đất, còn lại người ta chỉ hỏi để biết giá mà không có nhu cầu mua thực. Trong khi đó, mảnh đất của anh Tuấn còn được bán thấp hơn so với thị trường.
“Trước khi rao bán tôi có tham khảo người môi giới bán mảnh đất này, họ định giá mảnh đất của tôi phải được 27 triệu đồng/m2, còn nói thêm nên giữ lại vì sẽ tăng giá tiếp. Dựa vào mức giá này tôi rao bán 26 triệu đồng/m2 để có thể nhanh chóng chốt. Tuy nhiên, mãi vẫn chưa thể bán được mảnh đất nắm giữ. Cứ bảo sốt đất lắm, giá tăng mạnh thì làm gì có chuyện khó bán”, anh Tuấn thắc mắc.
Tương tự tình cảnh của anh Tuấn, anh Nguyễn Duy - nhà đầu tư F0 tại Hoàng Mai, Hà Nội kể: “Thời điểm cuối năm 2021, sau khi mở cửa trở lại, nghe bạn bè kháo nhau đang sốt đất, nhất là ở Bắc Ninh. Lúc đi khảo sát thị trường, môi giới chỉ tôi một khu đất khoe, cách đó 1 tuần có giá 3 tỷ đồng, hôm sau đã có người chốt 3,5 tỷ đồng luôn, lãi ngay 500 triệu đồng chỉ trong 1 ngày. Môi giới lúc đó còn khẳng định, nếu không mua sớm thì không có mà mua hoặc phải mua với giá cao hơn”.
Nhẹ dạ cả tin nên anh Duy đã xuống tiền mua ngay lô đất Tiên Du (Bắc Ninh), diện tích hơn 100m2, với giá 21 triệu đồng/m2. Đến đầu năm vừa rồi, thấy môi giới liên tục tung tin giá đất khu vực này tăng và đang cần tiền nên anh Duy cũng rao bán lô đất của mình.
Nhưng đến nay cũng khoảng 3 tháng, mảnh đất của anh Duy vẫn chưa sang tay được cho chủ mới. “Ban đầu tôi bán với mức giá 23 triệu đồng/m2, vì nghĩ thời gian đầu tư ngắn mà được lãi cũng tốt. Nhưng sau đó giá dần giảm về 22 triệu đồng/m2 rồi về bằng giá mua nhưng vẫn chưa có người mua”, anh Duy nói.
Theo tiết lộ anh Hiếu - môi giới vùng ven khu vực Mê Linh (Hà Nội), giao dịch thực tại lô đất ở khu vực này có tiến triển khởi sắc hơn so với vùng khác. Nhưng nhìn chung, lượng giao dịch không hề lớn. Người mua hỏi nhiều nhưng lượng chốt không quá lớn. Để bán được lô đất, nhiều người mất số tiền lớn chạy quảng cáo, tìm kiếm khách hàng. Còn chuyện sốt đất có thể xảy ra 1 số nơi nhưng rất hiếm. Một vài trường hợp bán được dễ dàng bị đồn thổi như tình trạng diễn ra thực tế của toàn thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: “Mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”.
Do đó, các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cần lưu ý hai khía cạnh:
Thứ nhất là cần lưu ý khảo sát mặt bằng giá ở các khu vực, bởi giá bất động sản ở miền Bắc nhiều nơi đã tăng 3 - 5 lần trong thời gian qua. Giá neo ở mức cao nên có thể gặp khó khăn trong thanh khoản.
Thứ hai, cần lưu ý tới sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư.