Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân; hơn 600 đại biểu là các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước.
Báo cáo gửi đến hội nghị cho thấy cả nước hiện có 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Ngành nông nghiệp còn phát triển kém bền vững, sức cạnh tranh thấp, hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa; phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng thấp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Môi trường đầu tư kinh doanh đang trói chân doanh nghiệp"
Cụ thể, có quá nhiều thủ tục hành chính (xây dựng, môi trường, đất đai, đầu tư,..) "hành" doanh nghiệp trong quá trình đầu tư dự án nông nghiệp. Qua rà soát có khoảng 16 bước với hàng chục văn bản, dẫn đến triển khai các dự án thường chậm.
Một số quy định về điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép còn gây cản trở, chưa khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao.
Ngoài ra, còn gánh nặng thanh tra, kiểm tra. "Chúng ta đã nghe, đã thấy có doanh nghiệp phản ánh trong vòng 20 ngày phải tiếp tới 7 đoàn thanh tra, kiểm tra..." - Thủ tướng chỉ rõ.
Trong khi đó, còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư của Nhà nước.
Trước đó, vào chiều 29-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Nông sản Phong Thúy (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Đây là cơ sở được UBND tỉnh Lâm Đồng thí điểm thiết lập hệ thống máy phân loại nông sản (cà chua) đem lại năng suất cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát mô hình sản xuất rau an toàn tại Lâm Đồng.
Công ty TNHH sản xuất thương mại Nông sản Phong Thúy hiện có trang trại rộng 55 ha, sản lượng 5.000 tấn/năm, với 135 người lao động. Công ty tạo thu nhập ổn định cho người lao động và 30 hộ liên kết (75ha). Doanh thu sản xuất công nghệ cao trong nhà kính 1-3 tỉ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống. 10% sản lượng đã được xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Sau khi thăm trang trại sản xuất giống, khu sản xuất rau thủy canh, khu sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, Thủ tướng đã tới thăm khu sơ chế sau thu hoạch của Công ty Phong Thúy. Từ khi được lắp đặt máy phân loại, năng suất phân loại cà chua của công ty tăng từ 120 tấn/tháng lên 200 tấn (tăng 66%), trong khi đó công lao động giảm tới 75%. Máy có khả năng phân loại sản phẩm cà chua theo các tiêu chí về kích thước, màu sắc, đáp ứng yêu cầu đặt hàng từ các siêu thị và chợ đầu mối trong nước.
Trên cơ sở hoạt động hiệu quả của trung tâm sau thu hoạch thí điểm tại Công ty Phong Thúy, tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch nhân rộng mô hình này. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh sẽ hình thành từ 4 - 6 trung tâm sau thu hoạch có công suất chế biến từ 50.000 - 120.000 tấn sản phẩm/năm/trung tâm; đồng thời hỗ trợ về đầu tư chuyển giao công nghệ và máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm quản lý chất lượng toàn diện, quản lý tinh gọn, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông sản an toàn là hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, mang lại giá trị cao và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cùng với việc mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Công ty Phong Thúy quan tâm chăm lo đến đời sống cho công nhân lao động, đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân, đưa công ty phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.