Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa qua đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2023.
Một nội dung đáng chú ý tại Chỉ thị này NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cắt giảm chi phí hoạt động, khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Như vậy, chỉ đạo về vấn đề trả cổ tức của các ngân hàng năm nay đã có thay đổi so với những năm trước. Chẳng hạn, trong năm 2021-2022, Ngân hàng Nhà nước đều nhấn mạnh yêu cầu các ngân hàng không được chi cổ tức bằng tiền mặt mà dành nguồn lực hỗ trợ người dân doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Năm 2023, vấn đề này được đề cập “nhẹ nhàng” hơn theo hướng “khuyến khích” trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng đã thông báo về kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023.
Điển hình như TPBank vừa công bố tài liệu lấy kiến cổ đông bằng văn bản về việc chia cổ tức trong năm 2023. Theo đó, TPBank dự kiến sẽ trả cổ tức 25% bằng tiền mặt, tương ứng 2.500 đồng/cp. Nguồn chi trả sẽ lấy từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán. Thời gian chi trả dự kiến quý I/2023. Với gần 1,582 tỷ cổ phiếu đang lưu hành và không có cổ phiếu quỹ, ước tính TPBank sẽ chi khoảng 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Không riêng TPBank mà một số ngân hàng khác cũng đã có ý định trả cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, hiện mới chỉ TPBank chính thức tiến hành các thủ tục liên quan.
Hồi tháng 11/2022, lãnh đạo VIB đã hé lộ kế hoạch trình phương án chia cổ tức bằng tiền mặt có thể lên tới 35%, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 đồng cổ tức. Con số 35% này có thể cao hơn nhiều nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022. Sau khi chi trả cổ tức, VIB vẫn hoàn toàn tuân thủ các hệ số an toàn theo tiêu chuẩn của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và các tiêu chuẩn chọn lọc của Basel II và Basel III. Hệ số an toàn vốn (CAR) Basel II của VIB sau khi chi trả cổ tức dự kiến sẽ ở mức trên 10%, cao hơn so với mức 8% theo quy định của NHNN.
Tại VPBank, cuối buổi đại hội cổ đông vào tháng 4 năm 2022, Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng đã gây bất ngờ cho các cổ đông còn nán lại họp đến phút chót bằng thông báo có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt: "Với nền tảng vốn đạt được vào cuối năm nay không những đủ cơ sở để đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 5 năm tới, mà Hội đồng quản trị dự kiến từ năm sau sẽ trình Đại hội Cổ đông chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm". Nếu được NHNN chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức đại trà bằng tiền mặt cho cổ đông hiện hữu kể từ khi lên sàn vào năm 2017. Trước đó, ngân hàng này mới chỉ trả cổ tức tiền mặt cho hơn 73 triệu cổ phần ưu đãi vào năm 2018 theo tỷ lệ 20%.
Tại ACB, kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 được đại hội cổ đông thông qua cũng có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (thực hiện trong năm 2023) bên cạnh 15% bằng cổ phiếu. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7%. Như vậy, sau 7 năm, cổ đông ACB mới có cơ hội nhận được cổ tức bằng tiền mặt.
Nhìn chung, những ngân hàng có ý định chia cổ tức bằng tiền mặt đều đang có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở nhóm vượt trội trong hệ thống, đều đạt trên 12%, thậm chí VPBank là xấp xỉ 15% (cuối tháng 9/2022). Đây đều là những nhà băng tiên phong trong quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, chẳng hạn như Basel II, IFRS. Những năm gần đây, họ cũng liên tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.
Năm 2023, dự báo thị trường tài chính, chứng khoán sẽ còn những diễn biến khó lường. Do đó, việc những ngân hàng này chi trả cổ tức bằng tiền mặt chắc chắn sẽ được nhiều cổ đông hưởng ứng, nhất là khi họ đã nhận cổ tức bằng cổ phiếu nhiều năm trước.