Phiên giao dịch ngày 13/10, cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm với chỉ 6/27 mã tăng giá, nhiều cổ phiếu bị bán mạnh tay. Tuy nhiên đó là bức tranh chung. Tâm điểm của hôm nay lại không nằm ở diễn biến tăng giảm thông thường.
Cụ thể, cổ phiếu ABB của Ngân hàng An Bình (ABBank) xuất hiện giao dịch "lạ" khi ở giây đầu tiên trong phiên có giá sàn 18.000 đồng và chỉ xuất hiện 1 lệnh duy nhất 10 cổ phiếu trao tay, ngay sau đó, giá bật lên vùng tham chiếu 21.100 đồng và đóng cửa cũng ở mức này. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp giao dịch ABB có diễn biến như vậy, khi ngày hôm qua 12/10 cũng có giao dịch tại giá sàn tương tự lúc vừa mở cửa.
ABB là cổ phiếu "lì" nhất trong dòng ngân hàng khi chỉ quẩn quanh vùng 20.000 - 22.000 đồng suốt 5 tháng qua, trừ khoảng thời gian cuối tháng 5 "sóng UPCoM" đẩy giá lên vùng 25.000 đồng nhưng cũng nhanh chóng đảo chiều đi xuống. Mặc dù tăng được 20% nhờ ăn theo "sóng" nhưng ABB là cổ phiếu tăng ít nhất thời điểm đó. Hiện tại trong dòng Bank, ABB được đánh giá là cổ phiếu "ngon" nhất khi giá trị sổ sách gần 16.700 đồng mà thị giá mới ở 21.000 đồng, có P/b thấp nhất.
Trong năm nay, ABBank sẽ tăng vốn mạnh qua 3 đợt phát hành gồm phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 20% với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên và sau đó là chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Việc tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hồi tháng 7, nhưng đến nay chưa có ngày chốt danh sách cổ đông.
Một cổ phiếu nữa cũng gây chú ý trong phiên nay là SSB của SeABank. Hôm nay 13/10 là ngày giao dịch không hưởng quyền của SSB để phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 10% với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Có nghĩa là, những cổ đông cầm cổ phiếu SSB đến ngày 12/10 sẽ được mua thêm SSB với giá 15.000 đồng, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 10 cổ phiếu. Đây là mức giá "trong mơ" đối với cổ đông bởi lẽ giá SSB trên sàn đang là gần 36.000 đồng/cổ phiếu nhưng cổ đông được mua thêm với giá chỉ 15.000 đồng.
Sau khi chia tách bằng phát hành riêng lẻ, SSB của SeABank điều chỉnh về 35.900 đồng rồi cuối phiên tăng vọt lên trên 37.000 đồng/cổ phiếu - tương đương tăng 3,2%, mức tăng nhiều nhất trong các cổ phiếu ngân hàng.
Được biết vừa qua SSB cũng đã chốt room ngoại ở mức 5% - mở đường cho việc bán vốn cho nước ngoài. Hiện SeABank đang không có cổ đông lớn nước ngoài nào. Ngân hàng này cũng kinh doanh rất tích cực.
NVB của Ngân hàng Quốc dân là cổ phiếu tăng giá nhiều thứ 2 trong phiên nay với 2,4% lên 29.900 đồng/cổ phiếu. NVB có lực đẩy mạnh nhờ kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng lãi cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 3, cổ phiếu NVB cũng dẫn đầu nhóm ngân hàng khi tăng tới 40,4%.
Ngoài cổ đông của các ngân hàng trên thì các cổ đông của SHB hôm nay cũng đón nhận thông tin tích cực là lợi nhuận 9 tháng cao gấp đôi cùng kỳ. Thông tin này đưa cổ phiếu SHB tăng trở lại và đóng cửa ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó ngày 12/10 SHB giảm do chốt lời sau khi có 3 phiên tăng liên tiếp gồm 2 phiên cuối giao dịch trên HNX và phiên đầu giao dịch trên HSX (ngày 11/10) - mức tăng tổng cộng 16%.
Cổ đông của HDB hôm nay cũng nhận tin tích cực. Theo đó, 9 tháng đầu năm ngân hàng đã hoàn thành trên 82% kế hoạch cả năm và đang triển khai phát hành 300 triệu USD trái phiếu quốc tế để tăng vốn cấp 2. Lượng vốn mới với chi phí thấp sẽ giúp bổ sung nguồn cho vay trung-dài hạn và đầu tư theo chiến lược tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 của nhà băng này. Nhờ thông tin đó, cổ phiếu HDB tăng vững ngay từ khi mở cửa, kết thúc phiên sáng tăng 1,4% nhưng phiên chiều đà tăng bị đuối, đặc biệt ở phiên ATC, khiến cho đóng cửa chỉ còn tăng 0,6%. Điểm sáng nhất của HDB hôm nay là khối lượng giao dịch tăng trên 50% so với mức bình quân 5 phiên gần nhất với các lệnh mua chiếm áp đảo.
Trở lại với diễn biến chung trên thị trường, hôm nay có 6 mã ngân hàng tăng giá, trong đó chỉ SSB và NVB tăng đột biến, còn lại HDB, VPB, VIB và LPB tăng nhẹ từ 0,2 - 0,6%. Các cổ phiếu giảm mạnh nhất có BVB của Viet Capital Bank khi để mất 2,3%, tiếp theo là STB của Sacombank, VBB của VietBank và TCB của Techcombank khi mỗi mã giảm hơn 1%.
Khối ngoại sau khi mua ròng ở phiên hôm qua thì hôm nay lại "quay xe" bán ròng, mạnh nhất là ở STB, CTG, VCB trong khi chỉ mua ròng nhiều tại MBB.